Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

LS nói gì về đề xuất thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?

LS nói gì về đề xuất thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?
“Nếu áp dụng thiến hóa học, gắn chip điện tử đối với các đối tượng hiếp dâm trẻ em thì cần thiết phải sửa đổi Bộ luật hình sự và Luật thi hành án”,một luật sư nêu quan điểm khi nói về đề xuất "thiến hóa học, gắn chip điện tử".

Gắn chip, thiến hóa học chỉ là giải pháp hỗ trợ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức tại điểm cầu Hà Nội ngày 6/8, một đưa ra kiến nghị: Với những tội phạm cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt tội hiếp dâm trẻ em, cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học, gắn chip điện tử với các đối tượng hiếp dâm trẻ em.

LS nói gì về đề xuất thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm: Hiện nay, bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, vấn nạn hiếp dâm trẻ em hiện nay đã có xu hướng gia tăng, gây lo ngại cho sự an toàn của trẻ em. “Có một số ý kiến cho rằng cần gắn chip điện tử vào các đối tượng hiếp dâm trẻ em đã mãn hạn tù để ngăn chặn, hạn chế tình trạng tương tự xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ nhỏ.

Theo tôi, dưới thời kỳ công nghệ điện tử đang phát triển thì việc giám sát bằng các thiết bị điện tử là một biện pháp tốt và có xu hướng được ứng dụng rộng rãi trong tương lai”, luật sư Cường cho hay.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng tồn tại một số mặt tiêu cực, hạn chế, luật sư Cường phân tích: Nếu để lộ các thông tin qua chíp điện tử thì sẽ thành “lợi bất cập hại”. Chưa kể về kinh phí thực hiện việc gắn chíp điện tử đối với các đối tượng hiếp dâm trẻ em đã mãn hạn tù cũng là một bài toán khó hiện nay. Và thứ ba là vấn đề thời gian theo dõi các đối tượng này.

“Theo tôi, đây chỉ là một giải pháp hỗ trợ chứ không thể coi là giải pháp giải quyết triệt để vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Vấn đề bảo vệ trẻ em phải cần nhiều nhóm giải pháp mang tính chất đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, cần phải có sự quan tâm giám sát, sát sao của bố mẹ đối với con cái để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường trong sinh hoạt của con em mình.

Đối với trẻ chưa thành niên, phụ huynh phải thường xuyên tâm sự, nói chuyện, giáo dục về giới tính cho con cái vì đây là độ tuổi mới lớn, ngại chia sẻ và tâm sinh lý dễ bất ổn; Đối với trẻ nhỏ thì luôn luôn có sự kiểm soát của bố mẹ hoặc của gia đình và nhà trường.

Thứ hai, cần phải rèn các kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn cho các cháu, cụ thể trong các trường hợp tiếp xúc với người lạ hoặc bị khống chế.

Thứ ba, cần nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý trẻ em. Cụ thể, cần giáo dục giới tính cho trẻ em ngay từ nhỏ và rèn luyện các kĩ năng sống.

Bên cạnh đó, cần giám sát không cho các đối tượng lạ tự tiện ra vào trường, có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ. Mặt khác, đối với bảo vệ hay cán bộ nhà trường cần tuyển chọn những người có năng lực, có đạo đức tốt để tránh trường hợp một số bảo vệ, thầy giáo hiện nay có hành vi dâm ô, hiếp dâm học sinh như báo chí đăng tải.

Thứ tư, cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có dấu hiệu biến thái, các đối tượng xung quanh hay tiếp xúc với trẻ nhỏ.

“Theo tôi, tất cả các biện pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ thì mới có thể kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Còn việc gắn chíp chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Ý kiến tranh cãi

Liên quan đến việc “thiến hóa học”, luật sư Cường cho rằng, đó chỉ là một giải pháp hỗ trợ. Vậy có nên quy định “thiến hóa học” là một trong những hình phạt, chế tài trong Bộ luật ? Luật sư Cường cho rằng, cần phải có đánh giá cụ thể vì ở đây còn liên quan đến quyền con người, các yếu tố liên quan tới hạnh phúc gia đình, duy trì nòi giống...

“Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc này cũng chỉ có ở một thời gian nhất định (khoảng 3 - 4 tháng).

Trong khi, nếu áp dụng biện pháp phạt tù thì phạm nhân đã bị cách ly, không thể tiếp xúc với nữ giới, trẻ em nên không thể gây nguy hại nên nếu áp dụng kèm là không cần thiết.

Còn nếu không áp dụng phạt tù mà thả ra rồi "thiến hóa học" thì dẫn đến việc khó khăn trong bắt giữ, cưỡng chế đối tượng đến để tiêm thường xuyên, chưa kể chi phí cũng không hề rẻ”, luật sư Cường nói.

LS nói gì về đề xuất thiến hóa học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định một số tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Như các tội Hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi (Điều 142 BLHS 2015) có hình phạt cao nhất có thể lên đến tử hình; tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 BLHS 2015) với hình phạt tù cao nhất là chung thân; Tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 BLHS 2015) thì hình phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm tù; Tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS 2015) với hình phạt tù cao nhất là 12 năm tù; Tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147 BLHS 2015) với hình phạt tù cao nhất là 12 năm tù.

Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam đều có những chế tài nghiêm khắc để xử lý các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, tại văn bản hướng dẫn của TAND Tối cao đã có những quy định hạn chế cho hưởng án treo đối với các loại tội phạm xâm hại tình dục như dâm ô với trẻ em.

Như vậy, về nguyên tắc, các đối tượng phạm tội sẽ phải chấp hành hình phạt quy định trong BLHS, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.

Một số ý kiến cho rằng phải gắn chip điện tử, thiến hóa học đối với các đối tượng hiếp dâm trẻ em, theo quan điểm của luật sư Thơm: Ngoài các hình phạt quy định trong BLHS, hiện nay luật không có quy định nào áp dụng các hình phạt bổ sung như trên.

Từ đó, luật sư Thơm cho rằng, nếu áp dụng chế tài thiến hóa học, gắn chip điện tử đối với các đối tượng hiếp dâm trẻ em thì cần thiết phải sửa đổi Bộ luật hình sự và Luật thi hành án.

Luật sư Thơm nói thêm: “Vấn đề áp dụng hình phạt bổ sung này cần thiết phải được nghiên cứu, đánh giá phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Tư Viễn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18910 sec| 658.797 kb