Vấn nạn ‘rơi rụng’ sinh viên
Thực tế “khó hiểu” tại các trường đại học ở TP.HCM là việc mỗi năm phải ra quyết định thôi học với hàng nghìn sinh viên. Điều đáng nói, không ít sinh viên bị xử lý học vụ từng học giỏi, xuất thân từ trường chuyên hoặc nằm trong diện tuyển thẳng.
Cụ thể, năm 2016, lãnh đạo ĐH Nông Lâm TP.HCM phải ký một lúc 946 quyết định buộc thôi học. Đây là những sinh viên không chịu học hành, bị cảnh cáo 3 lần liên tục.
Hiện nay, bình quân mỗi năm ĐH Nông Lâm TP.HCM có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học (cả tự nguyện và bắt buộc), chiếm tỷ lệ khoảng 4%-5% tổng số sinh viên đào tạo.
Đầu tháng 10/2017, ĐH luật TP.HCM cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học và cảnh cáo 66 trường hợp khác, do học lực quá kém cỏi hoặc không tham gia các học phần.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017, buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em.
Tháng 4/2016, ĐH Sư phạm TP.HCM công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.
Số liệu thống kê trong học kỳ I năm học 2016-2017 của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng gây choáng vàng với 1.888 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, trong đó rất nhiều em bị cảnh cáo đến lần 2. Nhà trường phải ký quyết định buộc thôi học đối với hơn 180 trường hợp chỉ trong một học kỳ.
Tương tự, hiện nay, số lượng bị xử lý học vụ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng khoảng 300 sinh viên/năm, tập trung sinh viên năm nhất.
Thực tế sinh viên rơi rụng liên tục mỗi năm đặt ra câu hỏi: Vậy căn nguyên của vấn đề là gì?
Hàng ngàn sinh viên buộc thôi học vì sao?
Trước câu hỏi khó trên, không ít chuyên gia trong ngành đã lên tiếng về vấn đề này.
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng việc thôi học giữa chừng được hiểu theo hai nghĩa: Bị buộc thôi học và tự nguyện điều chỉnh của cá nhân. Theo đó, msố sinh viên đang học bình thường, thậm chí có kết quả tốt sau một thời gian lại "ngộ" ra ngành học không phù hợp, nên phải chuyển ngành hoặc trường. Nó khác hoàn toàn với việc những sinh viên bị đuổi học do kết quả học tập không đạt, thái độ học tập không tốt hoặc quá thời hạn đào tạo.
Về phía trường, dù việc buộc thôi học đối với sinh viên là "cực chẳng đành", các trường cũng muốn giữ và nâng cao chất lượng đào tạo nên phải làm quyết liệt.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh của trường, lại nhận định đó là do các em chưa ổn định tâm lý khi học tập. Một số muốn thi lại vào ngành, trường khác. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở công tác định hướng nghề cho học sinh phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí - Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng gốc của vấn đề là định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em hay chọn ngành theo sự chỉ định của bố mẹ, theo bạn bè hoặc truyền thống gia đình mà bỏ qua việc xem xét khả năng của bản thân. Vào đại học, sinh viên bỡ ngỡ với cách học, phải thay đổi tư duy, phương pháp kiểm tra đánh giá. Do đó, nhiều em bị sốc.
Bên cạnh đó, nhiều sinh viên nảy sinh tâm lý coi thường việc học khi đã kiếm được việc làm thêm với thu nhập cao, dẫn đến bỏ bê, trì trệ chuyện học.
Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Trước “vấn nạn” hàng nghìn sinh viên buộc thôi học mỗi năm, nhiều trường đại học đã áp dụng phương pháp gửi thông báo kết quả học tập hoặc kết quả xử lý học vụ đến phụ huynh giống như hồi… THPT, đồng thời nhắc nhở trên tài khoản của mỗi bạn. Tuy nhiên, đây chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Theo đó, để giải quyết cốt lõi vẫn đề vẫn phải là giúp sinh viên nhận ra và duy trì đam mê với ngành học và công việc sau này. Bởi lẽ khi có đam mê, tình yêu và tin tưởng với quyết định của mình các em sinh viên sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho đúng mực, lập nên những mục tiêu cùng kế hoạch dài kỳ để thực hiện nguyện vọng của chính bản thân.
Một giải pháp khác chính là việc các trường nên tạo ra nhiều sân chơi học thuật, các buổi nói chuyện với diễn giả về ngành học, tạo hứng thú giữa việc học và hành, tư vấn đầu ra cho sinh viên..., thúc đẩy động lực học tập cho bạn trẻ.
P.V (Tổng hợp)