Thời gian vừa qua, Diễn đàn Pháp luật nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc hàng hóa đang được bày bán trong chuỗi cửa hàng Mint Cosmetics tại TP. Hà Nội không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, có dấu hiệu vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc dán nhãn sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm tại đây không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Pháp luật tại cửa hàng Mint Cosmetics cơ sở Nguyễn Chí Thanh, nhiều sản phẩm bày bán tại đây không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt. Rất nhiều loại mỹ phẩm như son môi, sữa rửa mặt, sữa tắm, mặt nạ dưỡng da... được bày bán trên kệ hàng chỉ có nhãn bằng tiếng nước ngoài. Vì sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt nên muốn biết chi tiết về sản phẩm, người tiêu dùng chỉ có một cách duy nhất là nghe lời tư vấn của nhân viên bán hàng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cửa hàng Mint Cosmetics ở số 152C Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng). Vào vai người mua hàng, khi PV tỏ ra bối rối vì không rõ sản phẩm có nguồn gốc ở đâu, nhân viên cửa hàng cho biết đây là mặt hàng xách tay nên không có tem nhãn phụ.
Được biết, Mint Cosmetics là một trong nhiều chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn tại TP. Hà Nội, gồm có 8 cơ sở: số 7 Ngõ 100 Tây Sơn (quận Đống Đa), Hà Nội; số 104 ngõ 72 Nguyễn Chí Thanh, (quận Đống Đa); số 152C Triệu Việt Vương (quận Hai Bà Trưng); ngõ 215, 106D6 Tô Hiệu (quận Cầu Giấy); số 61 Vạn Bảo (quận Ba Đình); số 186 Hàng Bông (Quận Hoàn Kiếm); số 237 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) và số 72 Trần Phú (quận Hà Đông).
Trao đổi với PV Diễn đàn Pháp luật, một cán bộ Phòng Kiểm tra – Phối hợp liên ngành (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) nói: "Năm nào chúng tôi cũng kiểm tra cửa hàng này (Mint Cosmetics – PV), mỗi khi hàng của họ về, họ biết cách làm ăn chứ không phải không biết. Sắp tới, luật xử lý hành chính sẽ quy định các điểm mới đối với mặt hàng kinh doanh, nhất là với các mặt hàng bán online, bán qua mạng xã hội cũng như trên các trang thương mại điện tử… Để bắt được quả tang vi phạm hành chính cũng như tiếp cận hành vi của họ cũng phải mất nhiều công sức mới xử lý được”. Về những ghi nhận của PV, vị cán bộ này cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo, cho kiểm tra xử lý rồi thông tin với báo chí.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Mặt khác, Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP nêu rõ: Những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức giá trị hàng hóa từ dưới 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bị xử phạt hành chính bằng các biện pháp: Cảnh cáo, phạt tiền và các hình phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải đối với trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Theo khoản 1, điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
- Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa
- Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Khoản 2, điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP, phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều 26 theo mức phạt sau đây: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.” Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, trước trình trạng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang xuất hiện tràn lan trên thị trường Việt Nam và nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Điều 3 của Nghị định này nêu rõ: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
PV Diễn đàn Pháp luật đã đến đặt lịch làm việc tại chuỗi cửa hàng Mint Cosmetics, song cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi.
Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.