Hầu hết các cô gái đều thích đọc sách tâm lý, hoặc truyện ngôn tình, hoặc tiểu thuyết lãng mạn. Rồi gật gù mơ mộng, ồ đây chính là điều mình muốn ở anh ấy, giá như anh ấy có thể làm như thế này thế nọ thì sẽ tuyệt biết bao.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, bạn không cần đến sách vở hay những câu chuyện để biết mình muốn gì - bởi bản thân bạn vốn đã biết rõ bạn muốn gì rồi; còn những người thực sự cần biết điều bạn muốn, lại là những người cả đời không bao giờ động đến một cuốn sách tâm lý, hoặc có động thì cũng chỉ vừa đọc vừa nghĩ "toàn chém gió, chả có gì đáng để học hỏi cả".
Thế nên, tôi đã tự chiêm nghiệm ra, nếu sau này có con gái, nhất định tôi sẽ không cho nó đọc quá nhiều sách nữa. Giống như tôi bây giờ, càng đọc nhiều, càng biết nhiều - biết thế nào là đối nhân xử thế, biết nhường nhịn, biết đâu là giới hạn, điểm dừng, để rồi đòi hỏi lại cũng nhiều, cũng muốn đối phương phải làm được giống mình.
Nhưng đối phương về cơ bản, thì vẫn chỉ là cục đá, lạnh lùng, thờ ơ và chẳng quan tâm đến việc tôi sẽ cảm thấy ra sao khi họ không đáp ứng được đòi hỏi của tôi. Tôi luôn quanh quẩn trong nỗi ấm ức rằng mình tử tế và biết điều nhưng đối phương lại chẳng coi mình ra gì.
Tôi tin chắc nhiều cô gái cũng giống như tôi. Cũng ao ước người yêu có thể dành ra một chút thời gian trong quỹ thời gian vốn đã eo hẹp của họ, để tìm hiểu xem chúng ta đang đọc cái gì, quan tâm đến cái gì, và mong muốn của chúng ta là gì. Chúng ta tag họ vào những bài viết chúng ta tâm đắc trên Facebook, gửi cho họ một vài link Youtube về kỹ năng sống hay ho. Chúng ta kể cho họ về những người chúng ta ngưỡng mộ, về cuộc sống mà chúng ta mơ ước. Nhưng đổi lại, đối phương luôn dùng thái độ thờ ơ, lãnh đạm để đối diện với những "đòi hỏi" ấy của chúng ta.
Rồi mỗi khi những trận cãi vã nổ ra, chúng ta - trên cương vị một người phụ nữ có hiểu biết, luôn được dạy rằng phải bao dung, và cảm thông với tất cả mọi người - lại là người xuống nước, dỗ dành đối phương trước vì chúng ta coi trọng mối quan hệ mình đang có, dù họ có phạm phải sai lầm gì thì chúng ta cũng dùng cách nghĩ tích cực nhất để khoan dung cho họ.
Dần dà, lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng, dù là người yêu hay bạn bè, đều nghĩ rằng dù họ có làm gì sai trái với chúng ta, thì chúng ta luôn rộng lượng tha thứ cho họ. Họ không nghĩ rằng, những gì chúng ta làm hôm nay, cũng là muốn họ sẽ đối xử lại với chúng ta y hệt như thế vào ngày mai. Xét cho cùng, mọi mối quan hệ đều cần có tính chất hai chiều, thế mới bền vững và lâu dài được.
Một cô bạn của tôi, cũng là một người cho đi rất nhiều, nhưng chẳng bao giờ được nhận lại những gì xứng đáng. Cô ấy chẳng đòi hỏi người yêu phải nắm rõ tâm lý phụ nữ trong lòng bàn tay, cô ấy chỉ cần đối phương hiểu rằng ai cũng có những lúc mệt mỏi vì công việc hay gia đình, thế nên hãy thường xuyên chia sẻ và đồng cảm với cô ấy nhiều hơn nữa. Nhưng không, người yêu của bạn tôi không hề làm được điều đó. Không cần biết bạn tôi đang bị căng thẳng như thế nào, chỉ cần anh ta nói chuyện mà bạn tôi không hưởng ứng hay cười đùa, là đã bị gán cho cái tội không quan tâm tới cảm xúc của người yêu.
Thật nực cười phải không?
Chắc chắn ai cũng sẽ có của riêng mình những câu chuyện tương tự như vậy. Phụ nữ thường sâu sắc hơn đàn ông, và đó cũng chính là lý do khiến chúng ta cứ loanh quanh trong cái mớ bòng bong cho đi - nhận lại, ngay cả những đòi hỏi vô cùng chính đáng cũng bị xem nhẹ. Tôi chỉ nghĩ, nếu người kia cứ mãi không cần quan tâm đến điều mình muốn, hoặc tâm trạng của mình, thì liệu có cần tỏ ra thông thái nhạy cảm để hiểu và quan tâm đến điều họ muốn hay không?
Theo Trí Thức Trẻ