Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Một chương trình nhiều bộ SGK: Sở sẽ chọn sách NXB GD để lấy lòng Bộ?

Một chương trình nhiều bộ SGK: Sở sẽ chọn sách NXB GD để lấy lòng Bộ?
Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ được triển khai song song cùng chương trình giáo dục phổ thông mới đang có lo ngại, các trường sẽ chọn bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam để được lòng Bộ.

Cũng có ý kiến cho rằng các nhà xuất bản khác cần phải chuẩn bị rất tốt mới có thể “tham gia cuộc chơi” này.

Các sở GD&ĐT không dám mạo hiểm

Một chương trình nhiều sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, tạo ra môi trường thuận lợi cho các trường, giáo viên chủ động nội dung dạy học phù hợp tình hình thực tiễn. Chủ trương này sẽ bắt đầu đi vào triển khai từ năm học 2019-2020 tới đây. Mặc dù đã được rất nhiều chuyên gia đánh giá cao về sự đúng đắn của nó, tuy nhiên sẽ không dễ gì để thành công trong thực tiễn.

Giáo dục luôn cần một sự thận trọng trong mỗi bước đi, và những người đứng đầu các địa phương cũng không dễ gì khi mạo hiểm lựa chọn một bộ SGK của một nhà xuất bản mới thay vì là sách của bộ GD&ĐT (NXB Giáo dục Việt Nam phát hành). PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Thái Nguyên nói: “Lâu nay nhắc đến SGK là mọi người đã quá quen với việc dùng sách của Bộ rồi. Sẽ rất khó để các địa phương lựa chọn một nhà xuất bản khác vì họ không dám mạo hiểm. Một bộ SGK mới của một NXB mới tham gia thị trường thì cần có thời gian để chứng minh tính ưu việt của nó”.

“Chắc chắn là trong thời gian đầu chúng tôi sẽ lựa chọn sách của Bộ, còn sau đó nếu như có bộ sách nào tốt hơn sẽ nghiên cứu sau. Nếu bây giờ lựa chọn một bộ sách mới rồi dạy một thời gian không hợp lý, Sở phải thay đổi thì sẽ gây xáo trộn lớn”, ông Đức nói.

Cũng theo Giám đốc sở GD&ĐT Thái Nguyên, NXB Giáo dục Việt Nam có quá nhiều lợi thế trong việc này, họ có tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ chuyên gia viết sách giàu nên sẽ dễ dàng nắm thế thượng phong trong cuộc đua.

“Có chăng thì các Sở chỉ đặt hàng các nhà xuất bản khác ở phần giáo dục địa phương (chiếm 20% chương trình). Hiện tại ngoài TP.Hồ Chí Minh xin cơ chế đặc thù viết một bộ SGK riêng thì tôi nghĩ mặt bằng chung các địa phương vẫn cứ dùng sách của Bộ”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD&ĐT Quảng Bình thì cho rằng việc lựa chọn một bộ SGK cho học sinh là một việc khó, ưu tiên chất lượng bộ SGK chứ không có chuyện chọn sách của Bộ để lấy lòng: “Khi có sách thì sẽ có một Hội đồng để lựa chọn, nếu như bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam không bằng của NXB khác thì không có lý gì chúng tôi chọn cả. Học sinh luôn được đặt lên đầu tiên, bộ SGK nào phù hợp với địa phương thì chúng tôi sẽ chọn”.

Phải đặt học sinh lên đầu tiên

GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK đáp ứng phong phú nhu cầu của các đối tượng người học. Chẳng hạn SGK về môn Văn cho lớp phân ban Khoa học tự nhiên sẽ không thể giống như SGK cho học sinh được phân ban về khoa học .

Ông Phú nói: “Nhiều SGK cùng đáp ứng cho một chương trình đào tạo sẽ làm cho chương trình sống động hơn, nội dung học tập, các tri thức mà người học tiếp thu không bị chết cứng. Cả chương trình và SGK có thể tồn tại lâu dài hơn và trong quá trình đào tạo. Những SGK mới đương nhiên theo quy luật khách quan sẽ được bổ sung cho những điều cần cập nhật, phù hợp với thực tiễn mới, làm cho quá trình giáo dục, dạy học sinh động, liên tục phát triển”.

Chính vì vậy, ông Phú cho rằng các địa phương khi lựa chọn SGK cần đặt học sinh lên đầu tiên, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân: “Một chương trình, nhiều bộ SGK có ưu việt, vậy nên các địa phương khi chọn cần lựa bộ sách phù hợp với mình. Không nên vì nể nang NXB Giáo dục Việt Nam mà đánh mất đi cơ hội tốt cho học sinh. Tất nhiên, nếu sách của NXB này tốt hơn thì vẫn nên lựa chọn”.

“Một người thầy giỏi sẽ là người biết hướng dẫn học trò lựa chọn cuốn sách nào để đọc, để học, để mở mang trí tuệ. SGK nào tốt, hay, học sinh sẽ tự tìm đến, sách đó sẽ bán chạy. Các SGK kém chất lượng sẽ đương nhiên bị thị trường đào thải”, GS. TS Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.

Về phần bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học cho biết Bộ đã ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Căn cứ Thông tư này, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện có quyền bình đẳng và cạnh tranh một cách lành mạnh trong việc biên soạn, đề nghị thẩm định sách giáo khoa.

“Nếu được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "Đạt" sẽ được Bộ trưởng bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt, cho phép sử dụng. Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm công bằng, minh bạch, tất cả vì quyền lợi của học sinh”, ông Thành nói.

Trước câu hỏi về việc bộ GD&ĐT có cơ chế chọn SGK ra sao để đảm bảo mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Ông Thành nói: “Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các sách giáo khoa có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn”.

“Từ nhiều năm nay, Bộ đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; cùng với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện nay đã không còn quá lệ thuộc vào sách giáo khoa. Vì vậy sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ mà phải chọn sách giáo khoa do Bộ chủ trì biên soạn”, ông Thành nhấn mạnh.

Đại diện bộ GD&ĐT cũng cho rằng, nếu có nhiều sách giáo khoa thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì việc kiểm tra, đánh giá, thi phải bảo đảm không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức mà tập trung vào đánh giá năng lực học sinh (để phù hợp với các sách giáo khoa khác nhau). Khi đó việc dạy học không thể chỉ truyền thụ kiến thức theo một sách giáo khoa cụ thể nào đó mà phải tập trung vào thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực. SGK nào có chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế, được đông đảo học sinh, giáo viên lựa chọn.

“Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa sách giáo khoa do bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các sách giáo khoa khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá sách giáo khoa”, ông Thành khẳng định.      

Công Luân

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.19201 sec| 658.617 kb