Đây là tín hiệu đáng mừng, mặc dù vậy, chính những NXB này cho biết sẽ là vô cùng khó khăn khi tham gia “sân chơi” này cùng NXB Giáo dục Việt Nam vì nhiều lý do.
Đưa thông tin lỗ để “nghi binh”?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho biết, qua quá trình tổ chức, NXB đều đã tổ chức đấu thầu in ấn. NXB đã chia ra làm 4 khu vực để tổ chức in ấn, xuất bản và cung cấp sách cho địa phương để giảm chi phí luân chuyển sách.
“Vì vậy, vừa qua bộ Thông tin & Truyền thông đã có quyết định, thông báo chính thức giao quyền cho 5 NXB tổ chức in ấn SGK, xoá việc độc quyền. Theo đó, nhiều nguồn lực xã hội hoá sẽ được huy động để tổ chức biên soạn sách”, ông Độ thông tin.
Mặc dù được tham gia “sân chơi nghìn tỷ”, nhưng chính các NXB được tham gia này cũng tỏ ra băn khoăn và lo lắng. Họ cho rằng, việc để cho NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền quá lâu khiến cho tiềm lực về kinh tế, chuyên gia là quá mạnh, từ đó dẫn đến việc NXB này sẽ nắm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh.
Cụ thể, PGS.TS.NGƯT. Đinh Trí Dũng, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản đại học Vinh nói: “Chúng tôi mới nhận được thông tin được tham gia vào việc in và phát hành SGK, tuy nhiên thời gian này cũng chưa chuẩn bị được gì, còn phải chờ chủ trương từ trên xuống. Nhưng rõ ràng có thể nhìn thấy rõ việc bỏ độc quyền sẽ là một dấu hiệu tích cực. Việc in ấn và phát hành SGK sẽ gia tăng chi phí nếu như vận chuyển xa, và tất nhiên là mọi chi phí phụ huynh sẽ phải chịu. Khi mỗi NXB tại các vùng miền tham gia vào khâu in ấn và phát hành ở khu vực đó sẽ giảm được nhiều chi phí”.
Tuy nhiên, theo ông Dũng việc tham gia vào sân chơi này cũng chẳng phải dễ dàng và sẽ có rất nhiều thách thức. “Đầu tiên là vấn đề tiềm lực. NXB Giáo dục Việt Nam đã độc quyền trong việc in SGK quá lâu rồi nên giờ họ có tiềm lực về kinh tế quá lớn, cùng với đó là đội ngũ chuyên gia hùng hậu. Có lẽ khi tham gia thì chúng tôi chỉ có thể làm ở thị trường ngách, tức là in ấn những cuốn sách về Lịch sử, Văn học địa phương... Đó là một phần rất nhỏ trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới”, ông Dũng nói.
Đại diện một NXB khác thì cho rằng không dễ gì để bộ GD&ĐT cũng như NXB Giáo dục Việt Nam nhả “miếng bánh” béo bở này. “Tại sao Bộ và NXB lại đưa thông tin in SGK lỗ 40 tỷ đồng 1 năm vào thời điểm này? Phải chăng là một thông điệp gửi đến các NXB khác đừng nên tham gia vào, nếu không sẽ chịu lỗ? Tôi không tin với việc một mình một sân chơi mà NXB Giáo dục Việt Nam lại bị lỗ lớn như vậy. Cần phải thanh tra rõ việc làm ăn của họ trong những năm qua”, vị này nói.
Đồng thời vị này cũng đưa ra dự đoán không mấy sáng sủa về thị trường in SGK trong thời gian tới: “Chắc chắn 5 NXB sẽ không chiếm nổi quá 20% thị phần, bằng cách này hay cách khác họ sẽ giữ bằng được những gì họ đang làm trong thời gian qua. Tuy nhiên, làm SGK là nhiệm vụ chính trị, dù khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tham gia hết sức”. PV có liên hệ với một số NXB khác, nhưng họ từ chối đưa ra ý kiến.
Chi 250 tỷ đồng/năm chiết khấu SGK, bộ GD&ĐT nói vẫn thấp
Trong báo cáo gửi Chính phủ về xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2012-2017, đại diện bộ GD&ĐT cho biết, khi biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003. Các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.
Bộ GD&ĐT cho biết, việc chiết khấu phát hành SGK, theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là thông qua hệ thống các công ty sách-thiết bị trường học, đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra NXB Giáo dục Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.
“SGK cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng”, phía bộ GD&ĐT giải thích.
Cụ thể, các mức chiết khấu bao gồm: Chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các công ty Sách-thiết bị trường học, các đối tác phát hành là 20% (đối tác Chiến lược) và 18% (đối tác Phát hành). Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lí cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển (tới đại lí, nhà trường), bù hao (rách, hỏng do vận chuyển), bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí... thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.
Để giảm chi phí vận chuyển, NXB Giáo dục Việt Nam chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị Công ty Sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng SGK đáp ứng nhu cầu tại từng khu vực. Mức chiết khấu bán hàng dành cho các đơn vị này là 5%.
Mặc dù trong năm 2017 đã chi tới 250 tỷ để chiết khấu, nhưng theo bộ GD&ĐT đây vẫn là con số thấp: “Mức chiết khấu (phí phát hành) đối với SGK hiện nay (18-20%) là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (35% - 40%). Hơn nữa, giá SGK hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30 - 40% đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành SGK càng nhỏ nên các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành SGK do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng”.
Cần công khai minh bạch
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: “Hiện nay dư luận xã hội rất quan tâm đến SGK, bởi lẽ 1 năm phải dành nhiều chi phí cho việc này. Thủ tướng đã yêu cầu bộ GD&ĐT giải trình báo cáo, yêu cầu phải có giải pháp khắc phục ngay. Phải chỉ đạo in ấn minh bạch, công khai. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, tránh lợi ích nhóm”.
Phải xóa độc quyền
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Có tình trạng độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.
Không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục. Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu bộ GD&ĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ như với đồng phục. Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn. Những nơi vi phạm cần xử lý nghiêm.
Công Luân