Ô tô cũ, với đủ thương hiệu tên tuổi như Mercedes, Toyota, Honda, Nissan, Ford,... đang được rao bán khoảng 300 triệu đồng. Nhiều người quan niệm, chỉ cần có tầm 100 triệu, rồi vay ngân hàng thêm 200 triệu nữa là có ngay một chiếc ô tô. Tuy nhiên, vay tiền mua những chiếc xe quá cũ, không ít người sau đó đã nhận ra sai lầm bởi chi phí không hề thấp và tự dưng rước nợ vào thân.
Anh Đỗ Lân ở Văn Quán (Hà Đông Hà Nội) kể, giữa năm 2017, thấy xe rẻ, anh có mua một chiếc Ford Escape 2.3L, sản xuất năm 2005, với giá hơn 300 triệu đồng. Tưởng ngon lành, nhưng vừa mua về đã phải chi thêm 30 triệu đồng cho nó vì phải thay một số linh kiện đã cũ...
Chưa kể trong quá trình đi, nhiều linh kiện bị trục trặc khiến xe hay gặp sự cố. Nếu phải thay hết, sẽ tốn thêm gần 100 triệu đồng nữa. Còn không thay, xe chạy không ổn định. Tưởng mua rẻ nhưng ai ngờ hóa đắt.
Đấy là chưa kể anh phải vay ngân hàng 200 triệu đồng mua xe với lãi suất 8,5%/năm, cố định trong 2 năm đầu. Với số tiền này, anh phải trả hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Tự dưng đi rước nợ vào thân, chỉ vì “giấc mơ cháy bỏng, lên đời xế hộp”.
Anh Nguyễn Văn Đông ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) lập gia đình từ năm 2013, vợ chồng anh có khoản thu nhập ổn định mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng từ lương của hai người. Đến cuối năm 2014, anh chị chào đón con gái đầu lòng. Vậy là hai vợ chồng không phải lo chuyện gì, chỉ việc làm để lấy tiền tiêu và nuôi con nhỏ.
Lúc đó, cuộc sống khá ổn, bởi sau khi chi tiêu đầy đủ cho sinh hoạt của gia đình, vợ chồng anh vẫn để dành được khoản tiền 80 triệu đồng. Vợ chồng anh vay thêm 200 triệu đồng, cộng với khoản tiền 80 triệu đồng tiết kiệm được trước đó là 280 triệu đồng, đủ để mua một chiếc ô tô cũ của người quen bán lại.
Thế nhưng, 2 năm sau khi mua ô tô, vợ chồng anh hoàn toàn vỡ mộng. Bởi, tháng nào anh chị cũng phải chi trả 1,5 triệu đồng tiền gửi xe, tiền chi phí xăng xe đi lại, bảo dưỡng sửa chữa các kiểu,... trung bình mỗi tháng hết tầm 4 triệu đồng. Một năm tính ra chiếc xe tiêu tốn gần 50 triệu đồng, chưa kể tiền lãi vợ chồng anh phải trả là 20 triệu đồng mỗi năm từ khoản vay 200 triệu đồng lúc mua xe.
Đến năm 2017, khoản nợ 200 triệu vẫn nguyên chưa trả được đồng nào, lãi vẫn phải gánh đều đặn. Khoản thu nhập 20 triệu đồng/tháng cũng được tiêu sạch vào tiền chi phí sinh hoạt, tiền nuôi xe ô tô, không để dành được một đồng xu nào.
Theo các kỹ sư ô tô, với những chiếc xe cũ, có giá bán dưới 300 triệu đồng hiện nay thường có năm sản xuất từ 2005 trở về trước. Tính đến thời điểm này, đã sử dụng trên 13 năm, sẽ có nhiều vấn đề.
Xe càng cũ, chất lượng càng đáng lo. Khung, gầm sẽ bị gỉ, mọt. Hệ thống phanh, lái,... nếu không được chăm sóc tốt, đúng tiêu chuẩn, dễ có nguy cơ trục trặc. Điều đó ảnh hưởng đến độ an toàn của xe.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Việt - Đức, tại Việt Nam, ô tô thường ít được chủ nhân thực hiện bảo hành bảo dưỡng đúng tiêu chuẩn. Nhiều linh kiện đến thời điểm phải thay thế nhưng không được thay, thậm chí thay phụ tùng trôi nổi, kém chất lượng nên nhiều xe xuống cấp nhanh, không đảm bảo chất lượng và độ an toàn.
Hơn nữa với công nghệ sản xuất ô tô hiện nay, cứ 3-5 năm lại có một mẫu xe mới, hoặc một phiên bản mới với nhiều tính năng hiện đại, thì những chiếc xe được sản xuất từ năm 2005 về trước tính đến nay đã lạc hậu tới 3 thế hệ.
Bên cạnh đó, rất có thể, “khổ chủ” sẽ phải trả một số tiền không nhỏ cho bảo dưỡng và sửa chữa. Thậm chí, chi phí cho xe cũ về lâu dài sẽ đắt hơn so với xe mới. 8,5%/năm, nhưng lại đội các loại phí như mở tín dụng, phí quản lý tín dụng, phí công chứng, phí trả nợ trước hạn... Các loại phí này thường phải đóng ngay nên khách hàng phải cẩn thận. Cuối cùng tính ra, lãi suất có thể từ 10% trở lên.
Việc vay vốn và làm thủ tục mua xe, nếu khách hàng thế chấp bằng chính xe mua thì người mua phải mua bảo hiểm do chính ngân hàng đó chỉ định. Đây cũng là khoản chi phí không nhỏ.
Với gia đình có thu nhập 20 triệu/tháng cần cân nhắc. Chỉ nên vay mua xe khi có thu nhập cao hơn và chi tiêu hàng tháng không hết, hoặc mua xe để kinh doanh.
P.V (Tổng hợp)