Liên quan đến việc ông Trương Minh Tuấn và ông Nguyễn Bắc Son bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, chiểu theo quy định tại Điều 220 BLHS năm 2015, tội danh này có mức phạt cao nhất là từ 10 năm đến 20 năm tù giam.
Được biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10/7/2018, ngày 23/2/2019, Cơ quan điều tra bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố ông Nguyễn Bắc Son cựu Bộ trưởng bộ TT&TT và ông Trương Minh Tuấn nguyên Bộ trưởng bộ TT&TT cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 220, Bộ luật hình sự năm 2015.
Việc ông Son và ông Tuấn bị khởi tố do có những sai phạm trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Trước đó, theo kết luận ngày 14/3 của Thanh tra Chính phủ, việc Tổng công ty MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.889 tỷ đồng dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước 7.006 tỷ đồng, trong đó có trách nhiệm của bộ Thông tin và Truyền thông.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Khách thể của tội phạm này đã xâm phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Về chủ thể, ngoài điều kiện là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì chủ thể của tội này phải là người có chức vụ, quyền hạn về quản lý và sử dụng vốn đầu tư.
Mặt khách quan của tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi như: Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án… Hậu quả là gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước.
Xét về mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Về hình phạt, luật sư Tiệp cho biết: Chiếu theo quy định của Bộ luật hình sự, người phạm tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 220, cụ thể là gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chấp hành hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Như vậy, với tội danh bị truy tố theo khoản 3, Điều 220, BLHS năm 2015, mức hình phạt cao nhất mà hai ông Trương Minh Tuấn và ông Nguyễn Bắc Son có thể phải đối mặt lên tới 20 năm tù”, luật sư Tiệp nói.
Tuy nhiên, luật sư Tiệp cũng cho biết thêm: Trong trường hợp các bị can đã khắc phục hậu quả thì sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 51, BLHS năm 2015. Sau này nếu có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác thì tòa án có thể được xem xét chuyển khung, chuyển khoản cho các bị can về khoản 2 cùng tội danh đó.
H.A (TH)