Mới đây, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 2280/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế, trong đó có quy định thủ tục khám giám định để hưởng BHXH một lần.
Cụ thể, thủ tục khám giám định để hưởng BHXH một lần được thực hiện như sau:
Bước 1, người lao động tham gia BHXH và thân nhân của người lao động tham gia BHXH nộp hồ sơ giám định tại Quầy tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm Giám định y khoa.
Căn cứ Khoản 6 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định, hồ sơ khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần gồm:
- Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc nhiều các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, sổ khám bệnh, bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
- Một trong các giấy tờ có ảnh: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực.
Bước 2, căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Trung tâm Giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định trong thời gian 23 ngày làm việc.
Trường hợp không giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Trung tâm Giám định y khoa có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức giám định của cộng đồng.
Bước 3, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, bộ phận thường trực có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.
Hội đồng Giám định y khoa các cấp phải thực hiện khám giám định cho đối tượng và ban hành Biên bản khám Giám định y khoa trong thời gian không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư liên tịch 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016.
Mức thu phí thực hiện theo biểu phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa ban hành kèm theo Thông tư 243/2016/TT-BYT ngày 11/11/2016.
Theo đó, khám lâm sàng phục vụ giám định y khoa: 1,15 triệu đồng/trường hợp. Khám cận lâm sàng phục vụ giám định y khoa theo chỉ định thực tế của bác sĩ.
Cách tính bảo hiểm xã hội một lần
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần dựa trên số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
- 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Cụ thể, theo Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, số tiền bảo hiểm xã hội 1 lần được xác định theo công thức:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)
Trong đó:
- Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 đến 6 tháng được tính là ½ năm, từ 7 đến 11 tháng được tính là 1 năm.
Trường hợp tính đến trước 1/1/2014 nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ 1/1/2014 trở đi.
- Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Mbqtl = (Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) : Tổng số tháng đóng BHXH
Theo Điều 2 Thông tư 35/2019/TT-BLĐTBXH, mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau:
Lưu ý, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH. Mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định về các bệnh hưởng BHXH một lần như sau:
Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Các bệnh, tật ngoài các bệnh quy định trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.