Đợt tấn công phối hợp của Mỹ với hai đồng minh Anh và Pháp vào thứ Sáu tuần qua là chiến dịch tấn công quân sự lần thứ hai của chính quyền Trump nhằm vào Damascus sau khi Nhà Trắng ra lệnh tấn công một căn cứ không quân của Syria vào năm ngoái cũng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Báo Japan Times dẫn lời ông Jackson, một chuyên gia về Triều Tiên và là cựu cố vấn chính sách của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay cả hai đợt tấn công Syria trong tuần qua và năm ngoái là để chứng tỏ rằng Mỹ sẵn sàng tấn công bất kỳ ai. "Chúng tôi chưa từng làm điều này đối với nước nào sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu Nga làm điều đó, chúng tôi sẽ gửi họ bức thư với lời lẽ quyết liệt, nhưng không phải tên lửa hành trình", ông nói.
“Tôi nghĩ chính quyền Mỹ có thể muốn Triều Tiên hiểu rằng đợt tấn công Syria cho thấy Mỹ đã thực hiện cam kết của mình. Mỹ vạch ra giới hạn đỏ về sử dụng vũ khí hóa học và Mỹ bảo vệ giới hạn đó. Vấn đề là Triều Tiên sẽ không lý giải hành động của Mỹ theo như cách Mỹ muốn”, ông Jackson nói.
Theo báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc), cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Syria là “lời cảnh báo” với Bình Nhưỡng. Thông qua cuộc không kích này, Washington có thể muốn gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc cần chấm dứt chương trình hạt nhân, nếu không muốn nhận kết quả tương tự như Syria.
Giới chức Mỹ hy vọng việc phô diễn sức mạnh tại Syria sẽ gia tăng sức ép lên Triều Tiên trước khi Washington đưa ra các đề xuất về vấn đề hạt nhân tại cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sắp tới.
Giờ đây, khi cuộc gặp thượng đỉnh Kim - Trump dự kiến diễn ra vào tháng Năm hoặc tháng Sáu, đợt tấn công vừa rồi của Mỹ vào Syria được kỳ vọng sẽ tạo sức nặng tương tự lên nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Đợt tấn công Syria sẽ nhắc nhở Triều Tiên rằng Mỹ sẵn sàng tấn công kiểu như vậy và Mỹ cũng sẵn sàng tấn công để trừng phạt hành động sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Baker ông Rodger Baker, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược của hãng thông tin tình báo toàn cầu Stratfor, đánh giá.
Tuy nhiên theo ông Jackson đối với nhà lãnh đạo Kim, đợt tấn công khẳng định một niềm tin lâu nay rằng vũ khí hạt nhân là mọi thứ ông ấy cần để bảo vệ mình và chế độ. Theo ông Jackson, ông Kim Jong-un nhìn vào đợt tấn công Syria và chỉ có thể kết luận rằng thứ khác nhau duy nhất giữa ông ấy và các nhà độc tài Trung Đông là vũ khí hạt nhân. Không có vũ khí hạt nhân, ông ấy sẽ bị đối xử như Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cố Tổng thống Libya Moammar Gadhafi và cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Cuộc không kích của Mỹ tại Syria cũng có thể làm gia tăng mối quan ngại tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng có thể cho rằng nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, đất nước của họ sẽ hoàn toàn không còn khả năng phòng thủ trước một cuộc không kích tương tự những gì Mỹ đã làm tại Syria.
Theo các nguồn tin Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ yêu cầu Mỹ cam kết không tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên để đổi lấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như vẫn nghi ngại rằng, liệu họ có thể cam kết duy trì thỏa thuận kéo dài với Mỹ hay không vì nước này từng bị cho là vi phạm các thỏa thuận trước đây. Những câu hỏi về lòng tin và sự tin cậy, xuất phát từ cả hai phía, vẫn chưa được giải đáp khi hội nghị thượng đỉnh sắp tới gần.
Hạ An (TH)