Theo Hãng tin AP, chính quyền của tổng thống Trump đã gửi thông báo rút khỏi UNESCO trong tháng 10/2017 và sau đó thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, có động thái hưởng ứng với quyết định tương tự.
Cả Mỹ và Israel đều lấy lý do rút khỏi UNESCO để phản đối cơ quan đặt trụ sở tại Paris, Pháp này có những chính sách bất công, chống lại Israel như lên án việc chiếm đóng đông Jerusalem của Israel, công nhận các địa danh cổ thuộc Palestine trong khi người Israel cho rằng đáng lẽ là của họ và cấp tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine năm 2011. Mỹ cũng yêu cầu "cải tổ cơ bản" với UNESCO.
Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về việc này vì Chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa.
Việc rút khỏi tổ chức này của Mỹ và Israel được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn với UNESCO về tài chính, vì tổ chức này vốn đã phải xoay xở với tình trạng cắt giảm ngân sách từ năm 2011 khi cả Mỹ và Israel dừng đóng góp ngân sách sau khi Palestine trở thành quốc gia thành viên của UNESCO.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, viết tắt UNESCO (tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization) là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp Quốc, hoạt động với mục đích "thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo" (trích Công ước thành lập UNESCO).
UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. Trụ sở chính đặt tại Paris, Pháp. Các dự án nổi bật của UNESCO là duy trì danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
H.T (TH)