Theo Đề án "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" trình Hội nghị Trung ương lần này, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Tuy nhiên, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với mức hiện nay, nhất là giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cụ thể, tại điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã được bổ sung trong Điều 81 dự thảo nêu như sau: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Cùng với lương, chế độ thâm niên và phụ cấp ưu đãi của giáo viên cũng thay đổi.
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, mức phụ cấp này sẽ tăng từ 25-50% tùy từng đối tượng. Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, lương của giáo viên còn rất thấp, đặc biệt là nhà giáo ở các cấp mầm non, phổ thông. Việc xác định lương của giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhằm thể chế Nghị quyết của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo lần này là đề xuất quy định mở rộng đối tượng miễn học phí tới cấp THCS ở các trường công lập.
Theo đó, mức thu học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý.
“Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục; căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng.
Vì vậy, phải có cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập”, tờ trình của Bộ GD&ĐT dẫn giải.
Được biết, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2018 và chính thức áp dụng từ 2019.
H.T (TH)