Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Ngân hàng Agribank yêu cầu trái luật, gây khó khăn cho người gửi tiền?

Ngân hàng Agribank yêu cầu trái luật, gây khó khăn cho người gửi tiền?
Vợ đứng tên trên sổ tiết kiệm nhưng khi bị tai biến và liệt nên đã ủy quyền công chứng cho chồng ra rút tiền thì ngân hàng Agribank không cho rút và không chấp nhận văn bản công chứng do không có chữ ký mà chỉ có lăn dấu vân tay.

Tòa soạn PhapluatNet nhận được phản ánh của một cụ già là khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Ngân hàng Agribank) về việc cho dù đã trình ra đầy đủ các thủ tục, giấy tờ cần thiết để rút tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Agribank nhưng không được cán bộ tại đây cho rút tiền vì theo cán bộ này là do công chứng ủy quyền lăn dấu vân tay không có giá trị, mặc cho việc công chứng này do Văn phòng công chứng Bảo Khánh, TP. Hà Nội thực hiện theo đúng các thủ tục của pháp luật hiện hành.

Vụ việc hy hữu này xảy ra vào ngày 17/8/2018 tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình, phòng giao dịch số 01. Bà cụ L.T.V, 80 tuổi trú tại phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, TP, Hà Nội có một khoản tiền tiết kiệm dưỡng già và để đề phòng khi trái gió trở trời có cái để chi tiêu nên bà cụ có gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Agribank, sổ tiết kiệm đứng tên bà V.

Ngân hàng Agribank yêu cầu trái luật, gây khó khăn cho người gửi tiền?
Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình.

Chuyện bắt đầu từ khi cụ bà V. bị tai biến, liệt cần tiền để chữa bệnh nên có ủy quyền cho chồng của mình là cụ ông V.T.H đi rút tiền, ủy quyền được Văn phòng công chứng Bảo Khánh, TP. Hà Nội thực hiện và chứng thực vào ngày 13/8/2018 tại bệnh viện, số công chứng 1433.2018/HĐUQ, quyển số: 02 TP/CC-SCC/HĐGD.

Cụ ông V.T.H và cụ bà L.T.V không có con đẻ.

Cụ ông V.T.H cầm giấy ủy quyền cùng các giấy tờ liên quan ra Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình, phòng giao dịch số 01 để rút tiền nhưng thật bất ngờ, tại đây, sau khi xem xét kỹ giấy tờ và ông cụ, từ 14h chiều đến 16h, cán bộ ngân hàng Agribank trả lời không cho rút tiền với lý do khi bà V. ra gửi tiết kiệm thì ký vào giấy tờ sao bây giờ đi rút tiền lại bằng giấy ủy quyền công chứng bằng...vân tay? 

Cụ H. cãi lại rằng cụ V. giờ bị liệt, không ký được nên có gọi văn phòng công chứng đến làm công chứng ủy quyền thì vị cán bộ này bảo thế thì làm tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự rồi cử người giám hộ với bà cụ V.? Cụ H. lại cãi bà cụ V. bị liệt chứ không mất năng lực hành vi nhưng vị cán bộ này vẫn không cho cụ rút tiền. Ngơ ngác và không cãi được với cán bộ ngân hàng, sau 2 tiếng đồng hồ chờ đợi và nghe những lời gay gắt cáu kỉnh của vị cán bộ ngân hàng, cụ ông mệt mỏi quay về bệnh viện, nơi cụ V. đang nằm chữa bệnh.

Không tiền đóng viện phí cho vợ, cụ H. cầu cứu tới các bác sỹ, bác sỹ lại giúp hỏi Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Luật sư Kiều gọi tới ngân hàng nhưng được ngân hàng trả lời: "Văn phòng công chứng tư nhân làm dịch vụ nhận tiền nên bảo làm gì nó chẳng làm cho. Tôi không đồng ý văn bản ủy quyền mà lăn vân tay, nếu người ủy quyền đã ký vào sổ tiết kiệm thì giờ cũng phải ký vào ủy quyền thì tôi mới cho rút, nếu ốm không ký được thì phải có xác nhận của bác sỹ là liệt không ký được, tôi không tin công chứng tư nhân, nên tôi không chấp nhận ủy quyền này, chị có gọi cả làng nhà chị ra đây tôi cũng không cho rút tiền nhé".

Ngân hàng Agribank yêu cầu trái luật, gây khó khăn cho người gửi tiền?
Hợp đồng công chứng ủy quyền của vợ (bà V) cho chồng (ông H) lập tại Văn phòng công chứng Bảo Khánh.

Trao đổi với PV, bà Kiều cho biết: “Hai cụ ấy rất đáng thương nên chị Bác sỹ thương mà nhờ em giúp đỡ để hai cụ có tiền đóng viện phí , có tiền mua thuốc thang, thuê người trông coi trong bệnh viện... Hiện tại chị bác sỹ đó đang cho bác V. nằm nhờ phòng chưa có bệnh nhân để chờ có tiền đóng rồi điều trị tiếp”.

PV PhapluatNet đã trao đổi với ông Trịnh Đức, Lãnh đạo chi nhánh Mỹ Đình - Ngân hàng Agribank, ông Đức cho biết: “Tôi đã nắm được sự việc và sẽ cho bác ấy rút tiền sớm, nhân viên không hiểu nên có những lời nói không đúng và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Cái  này do sơ suất của anh em, lỗi là của ngân hàng, tôi đã xem lại hồ sơ và pháp lý và thấy là đầy đủ, cái này là do lỗi của phòng giao dịch”.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

Luật Công chứng 2014
Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng
1. Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.
Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.
2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.
3. Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng di chúc;
b) Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;
c) Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.

Vũ Sơn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.16904 sec| 646.859 kb