Đó là bà Tống Thị Thanh (quê thị trấn Quảng Uyên, hiện ở thành phố Cao Bằng), người duy nhất sống sót trong cuộc tập kích của lính Trung Quốc vào hang Ngườm Hẩu, bản Keng Riềng (xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) 40 năm trước.
Chuyện những cô học sinh đi giúp bộ đội
Mới tối hôm trước (16/2/1979), cô học sinh Nông Thị Quyên (quê thị trấn Hòa Thuận, huyện Phục Hòa; xưa là xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa) cùng bạn bè còn xem chiếu bóng bộ phim “Em bé Hà Nội” ở thị trấn. Rạng sáng hôm sau, cả thị trấn bị đánh thức bởi tiếng đạn pháo rầm rầm.
“Khoảng 4h sáng, đạn bay vèo vèo sát mái nhà. Tôi vơ vội được cái lõi chăn bông rồi cùng cả nhà chạy xuống hầm trú ẩn.” - bà Quyên nhớ lại và cho biết, địch nã đạn liên tục đến khoảng 7h sáng thì ngớt.
Sau khi cùng bố mẹ chuyển đồ lên hang, ra đến đỉnh đèo, bà Quyên thấy bộ đội đang tải gạo liền rủ mấy bạn học xúm vào giúp. Dọc đường tải gạo, thấy thương binh nhiều, bà cùng 5-6 bạn học lại giúp tải thương về thị trấn Quảng Uyên (huyện Quảng Hòa cũ).
"Đường đèo dốc trơn trượt, chúng tôi khiêng thương binh đi hơn chục cây số mới ra đến nơi có xe đón. Lúc đó ai cũng nghĩ phải cố gắng giúp các anh ấy nên có biết mệt là gì đâu.” - bà Quyên chia sẻ.
Khi ấy bà Quyên đang là học sinh lớp 9, người bé như cái kẹo, nặng chỉ 37-38 kg. Vốn sợ máu từ bé, bà Quyên nghĩ ra cách lấy khen tay che mắt, cắm mặt khiêng cáng bước theo người đi trước.
Chiến sự kết thúc, bà tiếp tục đi theo Trung đoàn 567 phục vụ chiến đấu. Bị gia đình ngăn cản, bắt ở nhà đi học tiếp, bà dứt khoát: “Nó vào xâm chiếm thì còn học gì nữa!”.
Những năm trong quân ngũ, bà vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng.
Thời điểm Trung Quốc bành trướng lãnh thổ năm 1979, bà Tống Thị Thanh đang là học sinh lớp 10 ở thị trấn Quảng Uyên. Ngày 18/2/1979, sau khi cùng gia đình dọn đồ sơ tán lên núi đá, bà cùng các thanh niên quay xuống thị trấn lấy thêm đồ đạc. Được ông tổ trưởng dân phố vận động ra giúp bộ đội chuyển đạn lên xe, cả nhóm chả ai ngại ngần, xắn tay vào việc luôn.
Xong việc, bà Thanh và mấy bạn học quay lên trạm quân y của Trung đoàn 567 đóng ngay thị trấn. Thấy nhiều thương binh quá, trong khi y tá lại ít, bà cùng 2 bạn học là Phương Thị Sáu, Nguyễn Thị Thủy tình nguyện xin ở lại phụ giúp các y tá chăm sóc thương binh.
“Thấy cảnh máu me nhiều lúc đầu tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng thấy thương, cái sợ dần biến đi đâu hết. Có nhiều anh mới hôm trước tôi còn thấy đi lại dưới thị trấn nay đã nằm đó, máu me bê bết, người cụt chân, người cụt tay.” - bà Thanh kể.
Nhóm học sinh của bà Thanh phụ giúp các y tá làm mọi việc có thể, từ giặt giũ, nấu cơm, bón cháo cho thương binh, thay băng, thậm chí cả… đào huyệt chôn những người không qua khỏi.
40 năm ngày trở lại
Đầu tháng 3/1979, địch bao vây thị trấn Quảng Uyên. Trạm quân y của Trung đoàn 567 được lệnh chuyển thương binh lên hang Ngườm Hẩu (bản Keng Riềng, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên) cách đó chừng 1 km. Suốt một ngày trời, bà Thanh cùng mọi người chuyển gần 100 thương binh lên hang, chờ đội vận tải chuyển đi tiếp. Trong hang, ngoài 3 “cô học sinh” nhóm bà Thanh chỉ có 2 y tá là Đinh Thị Tuyến (quê Trùng Khánh, Cao Bằng) và Nguyễn Thị Huệ (quê Phục Hòa, Cao Bằng) chăm sóc các thương binh.
Rạng sáng ngày 2/3/1979, khi trong hang chỉ còn khoảng 20 thương binh, đang tiếp tục được chuyển đi, lính Trung Quốc phát hiện, bao vây, tập kích hang.
“Lúc đó mờ sáng, chưa rõ mặt người. Một số thương binh vừa ra khỏi hang dừng lại bắn trả, hai chị y tá nấp ở ngay cửa hang bắn, tôi cùng hai bạn nấp phía sau.” - bà Thanh nhớ lại.
Phía ngoài hang, ông Bùi Công Lợi (SN 1957, quê Yên Bái; chiến sĩ Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 567) cùng các thương binh khác cố gắng chặn bước tiến của địch. Ông Lợi bị thương khi tham gia chiến đấu ở trận địa Khau Chỉa.
“Sương mờ mịt nhưng nghe tiếng súng thì đoán biết được địch rất đông.” - ông Lợi nói.
Vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng, ông Lợi bị rơi xuống một cái hố của nhà dân, cứ thế nằm im dưới đó, khi địch rút đi mới bò lên. Lúc này, hang Ngườm Hẩu ám khói đen sì. Dọc đường lên hang, thi thể các thương binh rải rác khắp nơi.
Về phần bà Thanh, chứng kiến cảnh hai nữ y tá chống trả quân địch được một lúc, bà bỗng thấy lửa tràn vào, cùng với đó là tiếng nổ lớn. Bà ngất đi không biết bao lâu, đến khi tỉnh dậy không còn ai trong hang sống sót. Thi thể mọi người cháy đen.
“Chị Thủy và chị Sáu nằm đè lên tôi nên tôi mới may mắn thoát chết.” - bà Thanh kể.
Nằm im nghe ngóng tình hình hồi lâu, bà Thanh mò xuống mó nước gần đó rửa mặt thì bị địch bắt. Bà cùng nhiều người bị nhốt ở thị trấn Quảng Uyên, sau đó đưa sang bên kia biên giới.
“Nhiều ngày sau mọi người làm công tác tử sĩ xác định có 20 thương binh hi sinh và 2 y tá, 2 học sinh. 4 người nữ thì chỉ nhận dạng được hai nữ y tá và chị Thủy. Người nữ còn lại bị cháy đen, không nhận dạng được, tưởng là tôi nên mọi người mai táng, ghi tên tôi. Sau này, mọi người mới xác định đó là chị Phương Thị Sáu.” - bà Thanh chia sẻ.
Ngày 21/5/1979, bà Thanh được phía Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), sau đó được đưa về Bệnh viện Quân y 91 (Phổ Yên, Thái Nguyên) chữa trị. Trở về địa phương, bà Thanh được xác định thương tật 41%, xếp hạng thương binh 3/4.
Suốt 40 năm, bà Thanh luôn ám ảnh trước cảnh tượng kinh hoàng trong hang Ngườm Hẩu. Dù nhà cách hang chỉ hơn 1 km nhưng bao năm qua, bà chưa một lần quay trở lại. Được sự động viên của PV Dân trí, một ngày đầu năm 2019, bà Thanh mới quyết định trở về nơi mình suýt hi sinh.
Thắp nén hương tưởng nhớ các thương binh, y tá và 2 bạn học tử nạn, bà nhớ như in vị trí của mỗi người trong hang. Tảng đá ngay cửa hang là nơi hai nữ y tá cầm súng bắn trả quân địch; ngay phía sau là nơi bà và hai bạn học ôm nhau tránh đạn; phía trong cùng là nơi một Đại đội trưởng tử nạn…
Những chiến sĩ Trung đoàn 567 và hai y tá, hai cô học sinh tử nạn trong vụ tập kích hang Ngườm Hẩu nay đều đã được tập kết về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Uyên. Mới đây, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 567 đã làm tờ trình xin phép các cơ quan chức năng để xây dựng bia tưởng niệm trong hang, xây bậc lên xuống để những ngày kỷ niệm của Trung đoàn, các cựu chiến binh có thể vào hang tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh. Nguyện vọng này bước đầu đã được sự ủng hộ của chính quyền huyện Quảng Uyên.
Tiến Nguyên