Sáng ngày 27/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận 2 người bệnh trong 1 gia đình nghi do ngộ độc khí than. Sau 2 ngày điều trị, cả hai người đã qua cơn nguy kịch.
Trước đó, vào khoảng 7h30 sáng 25/11, bệnh viện Đa khoa Nghệ An tiếp nhận 4 bệnh nhân gồm bà V.T.T. (70 tuổi), ông N.C.T. (75 tuổi, chồng bà T.), chị N.T.T.N. (35 tuổi, con dâu bà T.) và bé sơ sinh (con chị N.) được chẩn đoán do ngộ độc khí than. Tuy nhiên, ông T. đã tử vong trước khi vào viện.
Được biết, cả 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, lơ mơ, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức, theo dõi ngộ độc khí CO. Qua khai thác bệnh lý từ người thân các nạn nhân được biết do chị N. mới sinh, trời lạnh nên gia đình có đốt than trong nhà để sưởi ấm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Bệnh viện nhanh chóng cho các bệnh nhân thở oxy cao áp, truyền dịch giúp các nạn nhân ổn định sức khỏe và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Nghệ An để tiếp tục điều trị, riêng cháu bé sơ sinh được chuyển sang bệnh viện Sản nhi Nghệ An theo dõi.
Sau khi được cấp cứu, cháu bé sơ sinh (con chị N.) được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An còn mẹ con bà T. được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.
Theo lời chị N., chiều ngày 24/11, chị đem con về nhà ngoại để tiện chăm sóc và được bà T. đốt than sưởi ấm. Đến khoảng gần 1h sáng 25/11, cháu bé khóc nên bà ngoại dậy bế ru, một lúc sau bà lịm dần.
Tiếp đó, chị N. cứng miệng, không nói được. Riêng ông T. nằm dưới sàn nhà cũng ngất lịm từ lúc nào không hay. Đến sáng cùng ngày, chồng người phụ nữ này phát hiện đưa cả nhà đi cấp cứu.
Hiện các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Bác sĩ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa hồi sức chống độc, Bệnh viện đa khoa Nghệ An, khuyến cáo trước đây các gia đình đều sưởi ấm bằng than nhưng nhà thoáng mát nên không khí được pha loãng. Bây giờ nhà toàn chung cư, kín cửa kính nhiều, khí độc không thoát ra được dẫn đến bị ngộ độc khí CO. Để hạn chế khí này, người dân cần chủ động thay đổi sinh hoạt, nên sử dụng các bếp sưởi ấm bằng điện.
Đây là vụ ngộ độc khí CO đầu tiên xảy ra trong năm nay và là vụ thứ 10 trong vòng 3 năm trở lại đây trên địa bàn Nghệ An.
Xử trí khi bị ngộ độc khí CO
Khi phát hiện có người bị ngộ độc khí than thì cần nhanh chóng mở các cửa sổ, cửa chính. Đồng thời khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời. Vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong là khá cao.
Trong trường hợp bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở thì phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.
Nếu nạn nhân không còn tỉnh, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.