Theo tích xưa, ông Công ông Táo là các vị thần bếp (hay còn gọi là thần Táo quân) có nhiệm vụ trông nom, cai quản cuộc sống của toàn bộ gia đình. Thần Táo quân gồm ba vị định đoạt phước cho gia đình: một bà Táo và hai ông Táo (gồm Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần, Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần và Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân).
Cũng theo thông lệ cổ truyền, vào dịp 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, người dân lại làm lễ tiễn Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình. Đây được xem là một trong những nghi lễ quan trọng trong năm của người Việt.
Vào ngày này, bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, các gia đình còn làm lễ cúng ông Táo về chầu trời. Để làm được điều này, mỗi gia đình cũng phải thành kính dâng hương lên bàn thờ tổ tiên.
Vậy nguyên tắc khi thắp hương dâng lên tổ tiên trong ngày ông Công ông Táo là gì?
Làm lễ quan soái – rút chân hương
Lau bát hương, tỉa chân hương là việc quan trọng nhất khi dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ đón Tết vì vậy cần phải được làm một cách thành kính, cẩn trọng.
Trong ngày cùng ông Công ông Táo, gia chủ sẽ lau bát hương, giữ lại 3 chân hương đẹp nhất và lau chùi sạch sẽ trước khi cắm lại vào bát hương.
Sau khi thắp một nén hương xin phép trên bàn thờ, gia chủ sẽ rút từng chân hương một, cho đến khi còn lại một vài chân hương đẹp nhất (thường là ở con số lẻ: 3, 5, 7, 9).
Số chân hương đã rút đi này sau đó được mang hóa, tro đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây. Sau khi hoàn thành công việc, cũng phải có nén nhang cẩn báo với các cụ.
Bên cạnh đó, việc lau rửa sạch bát hương cũng phải được làm bằng nước muối rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng cho thơm. Nước đã dùng đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống.
Nguyên tắc khi dâng hương
Việc thắp nhang như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với tất cả mọi người, nó cũng thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
Bên cạnh đó cũng có nhiều quan niệm khác nhau về các con số nén hương:
Số 1: thể hiện lòng thành
Số 2: Khi viếng linh cữu người chết và trong thời gian để tang, người ta thường thắp 2 nén hương.
Số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau hơn. Đó có thể là : Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.
- Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Theo phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- Số 7 và số 9 được tượng trưng cho “vía” của con người, khi người ta muốn xin ơn cho cá nhân (nam thất nữ cửu).
P.V (Tổng hợp)