Chiều ngày 30/9, mạng hội xôn xao trước thông tin chủ nhà hàng tiệc cưới T.P. (phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ, Điện Biên) bị khách đặt cỗ đám cưới "bùng" 150 mâm trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Chia sẻ trên Dân Việt, anh V.T.L. (chủ nhà hàng) cho biết, hiện anh đang trình báo sự việc lên Công an TP.Điện Biên Phủ, xong việc anh sẽ trực tiếp đến nhà chị L.T.U. (cô dâu) để làm rõ nguyên nhân vì sao cô dâu đến đặt cỗ rồi “bùng”.
Anh L. cũng cho biết thêm, theo chia sẻ của một người em của cô dâu, bố, mẹ của cô dâu muốn xuống gia đình anh chị để tìm hiểu nguyên nhân sự việc nhưng cô dâu bảo không làm gì sai, bố mẹ không phải xuống.
“Xong việc với công an tôi sẽ qua nhà cô dâu trực tiếp để làm rõ sự việc”, anh L. nói.
Trước đó, cũng trao đổi trên báo Người lao động, chủ nhà hàng cho biết, cô dâu là khách quen của nhà hàng và thường xuyên đến đây ăn uống, khi ăn xong thanh toán rất sòng phẳng và không bao giờ nợ lại một đồng nào cả. Cách đây không lâu, bạn ấy đã đặt 150 mâm cỗ để tổ chức đám cưới và báo đủ ngày giờ là 11h ngày 30/9 dương lịch (tức 14-8 âm lịch). Giá tiền là 1,3 triệu đồng/mâm.
"Chúng tôi cũng chỉ biết nhà cô U. ở xã Mường Phăng và nhà chú rể ở xã Thanh Nưa (thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Do là khách quen nghĩ rằng gia đình "cô dâu" tin tưởng và ủng hộ nhà hàng nên không có đặt cọc tiền cỗ cưới trước. Nhưng không nghĩ lại xảy ra sự việc như thế này"- anh L. nói.
Chủ nhà hàng cũng cho biết, buổi sáng ngày 30/9, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, gia đình gọi cho cô dâu thì cô ấy nghe máy bảo dời cỗ đến khoảng 14 hoặc 15h. Sau đó, đến trưa gọi lại thì không liên lạc được nữa, đến giờ gọi máy đổ chuông nhưng không ai nghe.
Theo anh L., thiệt hại 150 mâm cỗ và dựng rạp (phông, bàn ghế...) và thuê nhân viên phục vụ cũng mất hơn 200 triệu đồng. Sau khi bị "bỏ bom" cỗ cưới, để gỡ gạc chút vốn, gia đình và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn TP Điện Biên Phủ đến "giải cứu" cỗ. Số tiền gia đình anh nhận được sau khi thanh lý 150 mâm cỗ là 30 triệu đồng.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong giao dịch dân sự. Tình trạng đặt hàng nhưng không lấy hàng đã xảy ra trong xã hội hiện nay nhưng việc đặt cỗ cưới mà không đến ăn thì cũng...hiếm khi xảy ra. Trong vụ việc này, khách hàng đặt cỗ cưới nhưng không thực hiện hợp đồng làm chủ nhà hàng lâm vào tình trạng khốn đốn khi 150 mâm cỗ cưới vẫn còn nguyên mà không có người ăn. Sau đó, chủ nhà hàng đã kêu gọi cộng đồng mạng mua đồ ăn ủng hộ và chỉ thu về được số tiền nhỏ để bù đắp một phần thiệt hại”.
Cũng theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, do tin tưởng và quan hệ quen biết nên chủ nhà hàng đã chủ quan, chỉ giao kết bằng miệng mà không lập hợp đồng và nhận tiền đặt cọc để làm cỗ cưới nên thiệt hại xảy ra khi khách hàng không đến ăn. Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn…
“Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới bằng miệng vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.
Chúng ta có thể hiểu, việc bên bán hàng đã thảo thuận với bên mua hàng, hai bên đã thỏa thuận thành công nhưng khi khi thực hiện việc nhận hàng, giao hàng và thanh toán, thu tiền thi bên đặt hàng không thực hiện việc giao dịch đó. Khi thực hiện việc giao dịch việc đặt hàng đó có nghĩa là hai bên đã thỏa thuận với nhau về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành vi, bằng văn bản cụ thể.
Nếu bên đặt hàng đã đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng đã đặt thì theo pháp luật dân sự, người đặt hàng đó đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng. Theo quy định pháp luật hiện hành thì bên đặt hàng sẽ phải buộc thực hiện việc nhận và thanh toán như đã thỏa thuận. Và phải chịu thêm chi phí bảo quản và vận chuyển phát sinh nếu có. Nếu chậm thực hiện việc nhận hàng mà hàng hóa có hư hỏng việc chậm nhận đó do lỗi của bên nhận hàng thì cũng phải chịu các chi phí phát sinh nếu có”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.