Bán lẻ còn rẻ hơn bán buôn...?!
Như Dân Việt đã có bài "Dự án Nhà máy nước sông Đuống sử dụng đường ống Trung Quốc có tổng đầu tư gấp 3 lần Sông Đà?", phản ánh về việc, mặc dù Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, công suất 150.000m3 nước/ngày đêm, trong khi Dự án nước sông Đà có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất 300.000m3/ngày đêm.
Điều đáng nói, Dự án này lại có dùng đường ống của Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc). Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà nhưng đã bị Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, chỉ sau vài tháng sau chỉ đạo của Thủ tướng, hợp đồng cung cấp ống cho Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc Xinxing.
Để làm rõ những thắc mắc, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Theo vị đại diện này, hiện tại giá bán nước tạm tính mà Hà Nội mua của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.264 đồng/m3.
Lý giải về việc vì sao Hà Nội lại mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác, vị đại diện này cho biết đó là do đầu tư lớn, bản thân dự án này ra đời còn đảm bảo được an ninh nước trong vùng. Cũng như đây chỉ là giá tạm tính để vay vốn ngân hàng?.
”Tính đến nay, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua 2 con sông là sông Đuống và sông Hồng, rồi sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước (trong đó đa phần sử dụng ống XINGXING của Trung Quốc – loại ống nước mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dự án nước sông Đà giai đoạn 2 không sử dụng) để dẫn nước từ sông Đuống xuống tận Thường Tín, lên tới Hà Đông... Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính?", vị đại diện này cho biết.
Như vậy có thể hiểu rằng, chính việc kéo đường ống nước từ sông Đuống sang tới tận Hà Đông, Thường Tín, Sóc Sơn là nguyên nhân khiến cho giá nước tăng cao như vậy. Và để trả lời cho câu hỏi tại sao lại kéo đường ống nước đi xa như thế (từ sông Đuống – phía đông Hà Nội sang đến tận Hà Đông – phía bên kia thủ đô), đại diện công ty cho rằng đây là làm theo quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt tầm nhìn đến năm 2050.
Giải thích như vậy, nhưng thực tế rất khó có thể hiểu được là tại sao ở Hà Nội đang diễn ra việc cùng là đơn vị cung cấp nước sạch cho Thủ đô, nhưng hiện tại giá bán nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho thành phố lại chỉ có giá bằng một nửa (hiện Viwasupco đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị là Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco, Thanh Hà và Hà Đông giá là 5069,76 đồng/m3)?.
Vị đại diện của Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho rằng, chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng. "Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Chồng lấn vùng quy hoạch hay chồng lấn về lợi ích ?!
Theo tìm hiểu của Dân Việt, cách đây chừng hơn một tháng, tại Sở Tài Chính Hà Nội đã có cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Viwaco (thuộc VINACONEX).
Ngày 6.5, ông Bùi Đăng Khoa với tư cách là Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã đại diện công ty báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Trong báo cáo đã cho thấy, Chính phủ đã phê duyệt dự án cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, đơn vị cung cấp nước là Viwasupco (Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà).
Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 21.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp nước của thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 cũng nêu rõ phân vùng cấp nước của Viwasupco là Hà Đông, Viwaco và một phần nội thành Hà Nội.
Đại diện công ty Viwasupco cũng cho biết thực tế đơn vị này cũng đang cung cấp dịch vụ bán buôn nước sạch lâu dài và ổn định. Đối với Hà Đông, Viwasupco đã có hợp đồng cung cấp nước 50 năm, cam kết sản lượng tối thiểu 42.000m3/ngày-đêm. Hiện Hà Đông đang tiếp nhận 35.000m3/ngày-đêm. Như vậy đối với đơn vị cung cấp nước sông Đà hiện đang dư thừa công suất khoảng 50.000 - 60.000m3 nước/ngày-đêm.
Tại báo cáo về hoạt động cấp nước bán buôn trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà cũng cho biết, hiện tại công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này.
Chính Viwasupco đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước. Đương nhiên ai cũng biết, như vậy giá nước đến với người dân sẽ cao hơn. Và ngân sách thành phố cũng sẽ hao tổn thêm phần nào bởi bù giá.
Người dân có quyền đặt câu hỏi: "Tại sao UBND thành phố Hà Nội lại có “ưu ái” đối với Công ty cung cấp nước mặt sông Đuống?" Nếu không gọi là "ưu ái", rất khó dùng từ khác khi mà cùng đều là đơn vị cung cấp nước sạch cho cư dân thủ đô, nhưng nước từ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống lại cao gấp đôi như thế. Đương nhiên, với cách giải thích từ phía công ty cung cấp dịch vụ, ai cũng hiểu rằng, nếu công ty này kéo dài đường ống để mở rộng diện tích cung cấp nước, thì nhà nước và nhân dân sẽ phải gánh thêm một khoản tiền không nhỏ từ hệ quả của việc kéo dài ống ấy. Ai chịu thiệt, đã rõ ràng kết quả!