Ngọn lửa dữ dội bùng lên vào lúc 18h50 ngày 15/4 (tức 23h50 giờ Việt Nam) tại Nhà thờ Đức Bà ở Thủ đô Paris của Pháp và cháy rực trong hơn một giờ đồng hồ khiến tháp chuông và phần lớn mái vòm nhà thờ đổ sập. Sự việc khiến không chỉ Paris, nước Pháp mà toàn bộ thế giới đều hết sức đau lòng.
Hàng nghìn người dân Paris đã quỳ gối cầu nguyện và bật khóc trong sự bất lực khi nhìn cột khói bốc cao, ngọn lửa bao trùm phần mái của Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame). Không chỉ là nguồn cảm hứng cho tác phẩm văn học nổi tiếng “Thằng gù ở Nhà thờ Đức bà” của đại văn hào Victor Hugo, Nhà thờ Đức bà còn là di sản thế giới thu hút gần 14 triệu khách du lịch mỗi năm.
Với tuổi đời hơn 850 năm, Nhà thờ Đức Bà quả là một công trình lịch sử lâu đời và giá trị nhất trên thế giới. Với sự ra đời của Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), Louis VII – vị vua đầy tham vọng của nước Pháp - muốn đưa Paris lên bản đồ của châu Âu bằng một công trình kiến trúc lớn gây ấn tượng mạnh.
Hai tòa tháp chính của nhà thờ đá từ thời Trung Cổ này được hoàn thành vào khoảng năm 1245. Tuy nhiên, đến tận năm 1345, toàn bộ kiến trúc của nhà thờ mới được hoàn tất.
Nhà thờ nằm trên hòn đảo nhỏ Île de la Cité, sông Seine, thủ đô Paris với chiều dài 130 m và chiều rộng 48 m. Cấu trúc chính cao 64 m. Điểm nổi bật là 3 cửa sổ hoa hồng nổi tiếng có từ thế kỷ XIII.
Trong cuộc cách mạng Pháp, tất cả những chiếc chuông ban đầu của nhà thờ đã bị phá hủy, ngoại trừ một chiếc gọi là Emmanuel nặng 13 tấn vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2013, nhà thờ được tu sửa một số cấu trúc nhân kỷ niệm 850 năm ra đời. Gần 8.000 đường ống được vệ sinh và 9 chiếc chuông mới được đưa vào để thay thế những chiếc cũ có từ thế kỷ XIX.
Giống như hầu hết công trình công cộng thời Trung Cổ, nhà thờ theo phong cách kiến trúc Gô-tích được ví như một "cuốn sách của người nghèo". Bao phủ nhà thờ là các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ và cửa sổ kính màu mô tả nhiều câu chuyện khác nhau từ Kinh Thánh để phần lớn người dân không biết chữ có thể hiểu được.
Trong Thế chiến thứ hai, khi phát xít Đức chiếm đóng Paris, người dân thủ đô đã gỡ bỏ các kính màu vì tin đồn lính Đức lên kế hoạch phá hủy chúng, đặc biệt là các cửa sổ hoa hồng khổng lồ.
Năm 1802, Napoléon Bonaparte đã đồng ý cải tạo nhà thờ, sau đó ông đăng quang làm Hoàng đế bên trong Nhà thờ Đức Bà vào năm 1804.
Nhà thờ nổi tiếng với hệ thống cửa số bằng kính quy mô lớn, cùng với nhiều chi tiết kiến trúc đặc biệt khác. Không thể không kể đến điều khiến Nhà thờ Đức Bà trở thành biểu tượng, đó chính là hệ thống lưới mắt cáo bằng gỗ bên trong Nhà thờ. Khung xà gỗ của Nhà thờ - chủ yếu là gỗ sồi – được dựng từ những thanh gỗ có từ những năm 1160-1170, là một trong những bộ phận cũ kỹ nhất của kết cấu Nhà thờ. Phần lớn các thanh xà gỗ hiện tại vẫn là những thanh gỗ được dựng từ năm 1220, theo trang web của Nhà thờ.
Để có được số gỗ làm khung xà Nhà thờ, người ta đã phải đốn 21 hecta gỗ sồi. Tổng cộng ước chừng có 13.000 cây sồi bị đốn. Để có được tầm cao cần thiết phù hợp với cấu trúc Nhà thờ, các cây sồi này phải từ 300-400 tuổi, có nghĩa chúng được trồng từ thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 9.
Các thanh xà gỗ sồi này chống đỡ một cái mái được làm bằng chì nặng 210 tấn. Mái bằng chì này có khả năng kháng lửa, tuy nhiên các thanh xà gỗ thì không, và chính là thứ đã bị cháy trong ngày 15/4 và dường như đã tiếp thêm sức cho ngọn lửa thiêu rụi Nhà thờ.
Có thể nói, Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những biểu tượng được công nhận rộng rãi nhất của không chỉ của thành phố Paris mà cả còn của cả nước Pháp.