Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nhiều doanh nhân quê Ninh Bình trúng các dự án khủng ở Thái Nguyên?

Nhiều doanh nhân quê Ninh Bình trúng các dự án khủng ở Thái Nguyên?
Thời gian qua, “đất thép” Thái Nguyên đang là điểm đến hấp dẫn nhiều doanh nhân người Ninh Bình đến đầu tư. Bên cạnh nhiều dự án thành công, dư luận cũng lo ngại trước vướng mắc ở một số dự án…

Tháng 10/2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã bầu ông Trần Quốc Tỏ- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên khóa XVIII giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thái Nguyên đã có rất nhiều dự án lớn góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - của tỉnh.

Đây cũng là thời kỳ có nhiều doanh nhân quê Ninh Bình tham gia các dự án với số vốn khủng ở địa phương này. 

Ngày 25/12/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã họp và thông qua chủ trương cho phép Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) do lập dự án đầu tư Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc. Khu du lịch Hồ Núi Cốc có tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương,) vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035. Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940 ha, trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha. 

Nhiều doanh nhân quê Ninh Bình trúng các dự án khủng ở Thái Nguyên?
Doanh nghiệp Xuân Trường được giao làm các dự án khủng ở Thái Nguyên

Dự kiến phân khu chức năng chính siêu dự án này gồm Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch. Vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch. Vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.

Đặc biệt, tại siêu dự án Hồ Núi Cốc, Công ty Xuân Trường sẽ xây dựng xây dựng Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người trong cùng một thời điểm tại.

Theo kế hoạch, Xuân Trường sẽ nỗ lực hết sức để có thể đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãng cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong 0 năm (2016-2026)… Dự kiến, tổng kinh phí xây dựng chùa Tháp khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Sau 2 năm kể từ khi dự án Hồ Núi Cốc được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách đã được chi cho công tác GPMB.

Đầu năm 2018, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được chỉ định thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km0+00 đến Km3+500 (nút giao đường Tố Hữu) theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư lên tới trên 1.079 tỷ đồng (hợp đồng BT).

Cũng trong năm 2016, một doanh nghiệp có lãnh đạo quê Ninh Bình khác đã được giao dự án lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Tháng 7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản giao Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc– Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông 8 (Cienco 8) (đều do ông Lương Minh Tường người quê Ninh Bình làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng Công ty Cienco 8- pv) lập đề xuất Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, TP. Thái Nguyên theo hình thức hợp đồng BT.

Tháng 8/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có quyết định phê duyệt chủ trương đề xuất Dự án. Dự án sông Cầu có tổng mức đầu tư hơn 18.211,61 tỷ đồng, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác là 5.611,61 tỷ đồng, và nguồn vốn của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động hợp pháp là 12.600 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng các hạng mục của dự án BT là 9.811,61 tỷ đồng, và chi phí đầu tư các hạng mục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu đô thị 2 bên bờ sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên để thu hồi vốn dự án BT là 8.400 tỷ đồng. Đối với phần BT dự án sông Cầu có mức đầu tư 9.811,61 tỷ đồng thuộc danh mục dự án nhóm A, như vậy dự án cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chủ trương đổi tên “Dự án” thành “Đề án”.  Chia nhỏ ra thành 9 dự án thành phần (Dự án nhóm B -  thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh) để giúp nhà đầu tư dễ dàng “thâu tóm” dự án, trong khi nội dung của 9 dự án không có gì thay đổi so với nội dung tổng thể của Đề án.

Sau khi chuyển đổi, tháng 10/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên”.

Từ đó, nhà đầu tư đã tổ chức lập 9 nghiên cứu khả thi của 9 dự án trình các sở, ngành và UBND TP. Thái Nguyên, thẩm định, trình UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt. Tháng 11/2016 khi UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 9 dự án thuộc Đề án. 9 dự án nói trên được công bố sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trên mạng đấu thầu quốc gia theo quy định. 

Điều bất ngờ là sau khi công bố, chỉ có một nhà đầu tư mua hồ sơ mời tuyển và nộp hồ sơ dự tuyển là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8. Vì chỉ có một đơn vị tham gia đấu thầu nên đương nhiên Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc – Cienco 8 đã trúng thầu. 

Vẫn trong năm 2016, Tập đoàn Indevco ở Quảng Ninh do ông Đỗ Thành Trung – quê Ninh Bình làm Chủ tịch đã trúng đầu tư xây dựng dự án Nghĩa trang An Lạc viên tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên  với tổng đầu tư hơn 320 tỷ đồng.  Dự án được thực hiện trên diện tích đất rộng 272.739 m2 (27,2ha), gồm các công trình xây dựng như: cổng chính (Đại môn); nhà dịch vụ, điều hành, quản lý; điện địa tạng; nhà tang lễ; nhà dịch vụ hỏa táng; hệ thống tháp cốt, bài vị - bệ tượng cao 02 tầng; hệ thống tháp cốt, bài vị cao 13 tầng; hồ cảnh quan; trục đường tâm linh – tượng dẫn A DI ĐÀ;  miếu Thổ địa…

Nhiều doanh nhân quê Ninh Bình trúng các dự án khủng ở Thái Nguyên?
Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 được giao thực hiện dự án với số vốn rất khủng tương đương dự án nhóm A

Sau khởi công, phát sinh nhiều lo ngại

Đầu năm 2018, sau khi một số cơ quan báo chí đưa tin tạm dừng siêu dự án Hồ Núi Cốc, ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên đã trả lời báo chí: "Tôi với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Thái Nguyên chưa có chủ trương nào đề cập tới việc dừng dự án này. Hiện dự án vẫn đang được tiến hành bình thường".

Trả lời báo chí dưới góc độ nhà khoa học khi cho ý kiến về dự án này, PGS.TS Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam)cho rằng: Ngay từ khi doanh nghiệp có chủ trương thì Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam có tổ chức hội thảo mời phản biện thì lúc đó mới ngớ người ra không phải Xuân Trường làm hết. Việc lập đồ án không ổn tí nào, doanh nghiệp nói sẽ đầu tư tới hơn 16 nghìn tỷ nhưng thực chất Nhà nước phải bỏ ra 14000 tỷ, doanh nghiệp bỏ ra vài trăm tỷ. Đấy là chưa nói dự án này đang có vấn đề trong việc nâng đập lên có khả thi không, an tòan đập.. Tôi cho rằng Hồ Núi Cốc là một hồ thủy lợi và hồ cấp nước cho thành phố Thái Nguyên mà xây dựng lên đỉnh hồ khu du lịch lớn như vậy là rất nguy hiểm.

Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng có văn bản gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau khi theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về sự bất hợp lý trong phân bổ vốn ngân sách liên quan đến các dự án do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (viết tắt là: Doanh nghiệp Xuân Trường) đầu tư trong lĩnh vực du lịch tâm linh như: Dự án Hồ núi Cốc (Thái Nguyên); Dự án Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Dự án Tam Chúc (Hà Nam) và một số công trình giao thông khác.

Nhiều doanh nhân quê Ninh Bình trúng các dự án khủng ở Thái Nguyên?
Tập đoàn Indevco được giao triển khai dự án hơn 320 tỷ đồng tại Thái Nguyên

Bà Thúy cho rằng, các dự án trước đây doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng nhà nước cũng phải bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp xây dựng. “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn cũng tái diễn kịch bản doanh nghiệp đề nghị nhà nước giải phóng mặt bằng và làm toàn bộ hạ tầng để bàn giao cho họ xây dựng. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì quyết định chủ trương đầu tư cho dự án trên liệu có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Bà Thúy đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp phòng ngừa những dự án tương tự xảy ra.

Đối với dự án của Tập đoàn Phúc Lộc, sau 2 năm triển khai, công trường vẫn còn ngổn ngang nhiều máy móc nằm chỏng chơ, nhiều đoạn sắt thép còn hoen gỉ. Tình trạng đào đất, phá bê tông của đê cũ khi chưa hoàn thiện đê mới khiến nhiều người dân lo lắng, bức xúc, sống trong tâm trạng lo lắng phấp phỏng mỗi khi mùa mưa bão đến.Tại nhiều nơi, doanh nghiệp này để lại cũng không ít lo ngại. Điển hình, tại tỉnh Bình Định, Tập đòan Phúc Lộc đang lọt vào danh sách nợ thuế. Theo danh sách doanh nghiệp nợ thuế được Cục thuế Bình Định công khai, tính đến 31/8/2018, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phúc Lộc và do ông Lương Minh Tường làm đại diện pháp luật đang nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuế.

Còn đối với Tập đoàn Indevco ngay tại Quảng Ninh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở cũng từng dính lùm xùm việc gây ô nhiễm môi trường và vận chuyển than khi chưa được phê duyệt.

Theo Hòa Nhập

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.14891 sec| 670.625 kb