Bé V.M.H (6 tháng tuổi), trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng sốt, nôn, quấy khóc và bỏ bú.
Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, bé H. có biểu hiện bỏ bú, sốt, ngủ li bì, sờ thóp thấy khớp mở rộng. Gia đình chủ quan cho rằng bé bị “mở khóa đầu” nên mời một thầy lang về đốt ngải đắp thóp cho bé.
Đến khi tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia đình mới cho bé nhập viện điều trị.
Qua khám sàng lọc và hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán em bị sốc nhiễm khuẩn, viêm não- màng não và được chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
Hiện tại trẻ đang được điều trị thở máy, kháng sinh, vận mạch, an thần, hạ sốt, tiên lượng bệnh nhân nặng, tiến triển chậm, thời gian điều trị kéo dài.
Bác sĩ Phí Xuân Thi - BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Mở khoá đầu” từ lâu đã được người dân dùng để chỉ một căn bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là những đứa trẻ mới sinh được vài ngày, bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì; phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu, giống như bị tách ra. Mọi người thường chữa theo cách dân gian như đốt ngải (đốt lá ngải khô, hơ vào huyệt trên cơ thể trẻ sơ sinh); đắp thuốc vào thóp v.v...
"Việc đốt ngải, đắp thuốc như vậy rất nguy hiểm bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu điều trị không đúng cách rất dễ dẫn đến xuất huyết não, giãn thành mạch, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao"- BS. Thi cảnh báo.
Theo giới chuyên môn, trẻ sơ sinh có các biểu hiện trên có thể vì trẻ mắc các bệnh lý như: viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn sơ sinh, rối loạn tiêu hoá… Để xác định nguyên nhân, các gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị sớm, tránh việc sau khi chữa bằng kinh nghiệm dân gian không khỏi mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn.
Ngoài ra, người dân cũng nên thay đổi cách nhìn nhận sai lầm về căn bệnh "mở khoá đầu" và cách chăm sóc trẻ sơ sinh, bảo đảmcho trẻ được chăm sóc, chữa trị một cách khoa học.
Vũ Anh (TH)