Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu
Quan niệm về “Đi làm từ thiện” của tôi đã hoàn toàn thay đổi khi đến với Huyện Tây Giang – Tỉnh Quảng Nam trong chuyến đi trồng rừng vào những ngày đầu năm 2021, chỉ vài tháng sau khi Tây Giang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 5 vừa qua. Từ tâm thế người “mang quà đi trao”, tôi nhận lại biết bao những bài học hữu ích về thái độ với cuộc sống và niềm hạnh phúc được trải nghiệm mỗi ngày.

Cuộc sống nơi những vùng đất biệt lập sau lũ

Tây Giang là một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam – một trong những huyện nghèo nhất cả nước với 95% dân số là đồng bào Cơ Tu, 100% diện tích là đồi núi. Người dân sinh sống chủ yếu bằng việc trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, thu hái các lâm thổ sản. Các công cụ lao động khá nghèo nàn như rìu, dao, gậy chọc lỗ tra hạt.

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Trong cơn bão số 05 vào tháng 9/2020 vừa qua, Tây Giang là Huyện chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất của cả nước, các công trình hạ tầng trong 05 năm qua gần như bị quét sạch, hàng ngàn hộ dân mất nhà và tài sản. Toàn bộ tuyến giao thông ĐT 606, và đường ĐH liên huyện cũng như tuyến đường đi vùng cao biên giới và các tuyến giao thông nông thôn tại địa bàn 10 xã đều bị sạt lở, nhiều đoạn đường đứt gãy, chia cắt các huyện. Trong đó, 4 xã sát biên giới Lào gồm Gary, Ch’ơm, Tr’hy và Axan bị cô lập hoàn toàn, mất điện, thiếu nước sạch sinh hoạt. 

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Chúng tôi đến với Ch’ơm 4 tháng sau cơn bão. Quãng đường từ trung tâm huyện Tây Giang đến Ch’ơm khoảng 52 km nhưng phải di chuyển hơn 2 giờ đồng hồ. Dọc đường đi, liên tiếp những đoạn đường bị đứt gãy, lở hàm ếch, vết sạt lở vẫn còn rất mới dù nhiều tháng đã trôi qua. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn quay lại đoạn đường sạt lở vừa bỏ qua để chụp hình ảnh thực tế, anh lái xe của đoàn cho biết còn rất nhiều những đoạn đường sạt lở nghiêm trọng hơn, càng đến gần Ch’ơm, sạt lở càng nặng bởi những đoạn gần trung tâm huyện đã được tỉnh khắc phục dần dần. Anh cũng cho biết, thông thường cũng rất ít cơ hội để tiếp cận Ch’ơm hay Gary vì đường sá khó khăn, lại không có phương tiện giao thông công cộng “dám” chạy trên cung đường này. Bởi ngay cả khi thời tiết tốt, chỉ đến tầm 3h chiều, sương mù đã che phủ các cung đường, rất khó để quan sát nếu không phải dân bản địa. Và chúng tôi đã có gần 2 giờ đầy căng thẳng, nín thở khi quan sát anh căng mắt ôm vô lăng, gần như nhoài hẳn người ra phía trước kính xe để dò đường, thi thoảng lại đột ngột bấm còi xe khi gặp các trường hợp khẩn cấp.

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Mục đích của chuyến đi lần này của chúng tôi là bàn giao 11.200 cây giống cho huyện Tây Giang, gồm 7.700 cây keo tai tượng, 3.300 cây lim xanh và 200 cây quế để tái thiết những mảng rừng mới, giúp cải tạo đất, chống xói mòn, chống sạt lở đất. Đồng thời, trao tặng 100 suất quà Tết cho các hộ khó khăn tại các xã A Vương, Lăng và Ch’ơm. Để có thể tiếp cận các hộ dân ở đây, chúng tôi phải nhờ Hội phụ nữ xã, “cử” những tay lái cứng nhất của các thôn, dùng xe máy đưa vào. Toàn bộ đường dẫn vào thôn A réc – xã A Vương lầy lội, trơn trượt. Những đoạn đường đang được khắc phục dần dần. Tôi gần như nín thở khi xe đi qua đoạn đường sạt lở chỉ rộng chừng 80 cm, một bên là vực. Anh lái xe bấm chặt đôi dép tổ ong xuống mặt đường toàn bùn và đá để giữ thăng bằng cho chiếc xe không bị chuội đi. Nhất là đoạn đường khi rời thôn, khi trời đã tối sẫm lại.

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Thôn A réc là một trong những thôn gần đường liên huyện, còn dễ tiếp cận hơn nhiều so với các thôn khác thuộc xã A Vương, nơi người dân sống rải rác theo các thôn, cách nhau phải vài giờ đi bộ. Nhà chị Arin, có 3 người, ở ngay đầu thôn. Nói là nhà, nhưng thực chất chỉ là một căn lều tranh cất theo lối nhà sàn truyền thống của người Cơ tu, rộng chưa đến 10m2. Một chiếc bếp lửa vừa giúp thắp sáng, vừa giúp sưởi ấm. Nhà có 3 người, hai vợ chồng có 1 cậu con trai năm nay bắt đầu vào lớp 1. Sinh kế của cả gia đình là làm rẫy, trồng ngô, sắn. Hỏi chị Arin Tết đến có khác ngày thường không, chị cười vô tư bảo không, Tết cũng như ngày thường, chỉ ăn cơm sắn, cũng không có gì. Nhưng nhắc tới hoàn cảnh gia đình, người chồng bị tàn tật, đợt lũ vừa rồi cả nhà phải xin ở nhờ các nhà trong thôn, chị khóc. Những giọt nước mắt loang loáng dưới ánh lửa bập bùng. Cậu con trai thấy mẹ khóc, ngồi co lại, vừa vì lạnh, vừa vì lo sợ. Sau khi trao quà, hỏi thăm gia đình, khi chúng tôi định rời đi, chị dè dặt bảo có con gà muốn gửi tặng để cảm ơn mọi người. Một bữa cơm Tết còn không có thịt để ăn, nhưng chị chân thành và nồng hậu tặng chúng tôi một con gà để làm quà cảm ơn, tôi thực sự cảm động. Bởi người ta dễ cho người khác khi mình đã có đủ, nhưng khi bản thân còn đang thiếu, người dân ở đây vẫn sẵn sàng cho đi…

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Nơi thiếu thốn vẫn tràn ngập niềm vui và bài học “Sẻ chia là nhân lên niềm hạnh phúc”

Trước khi đến với Lăng, A Vương, Ch’ơm, tôi đã hình dung về những mái nhà đơn sơ; cuộc sống túng quẫn với những lam lũ hiển hiện trên gương mặt, trên cơ thể, dáng hình những người già, những đàn ông, đàn bà. Thế nhưng ngược lại. 

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Các thôn ở Ch’ơm hay các xã khác của Tây Giang sống quây quần theo từng thôn, với chính giữa là nhà Gươl – nơi sinh hoạt cộng đồng, họp hành của thôn, 1 sân bóng hoặc sân chơi bóng rổ. Thôn nào cũng nghèo, nhưng quy củ, sạch sẽ. Trao đổi với chúng tôi, ông B’ríu Hồ - Chủ tịch xã Ch’ơm vui vẻ cho biết, xã giao quản lý mỗi thôn theo ngành dọc. Nếu thôn nào có người vi phạm luật hoặc quy định của các thôn, thì các lãnh đạo quản lý theo ngành dọc phải chịu trách nhiệm đầu tiên rồi mới đến thôn bản. Vào những dịp năm mới, hay các ngày lễ lớn, đặc biệt là Tết truyền thống, họ sẽ chơi Tết chung, rồi mới đến Tết riêng. Tết chung là các hoạt động nghi lễ, cả thôn quây quần nhảy múa, chơi trò chơi, ăn cơm năm mới, tổ chức các cuộc thi. Nhờ vậy, nhà ai cũng biết nhau. Đời sống văn hóa vì vậy phong phú và sinh động. Nó được thể hiện trong chính những họa tiết minh họa sinh hoạt bắt mắt trên nhà Gươl của mỗi thôn. 

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Người ta nói rằng, niềm vui, niềm hạnh phúc không thể ngụy tạo mà có. Những người đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ người Cơ Tu ở Tây Giang, họ có đôi mắt to, sáng, hàng mi dầy với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh và nụ cười thì ấm áp, hồn hậu. Dáng vẻ của họ cũng nhanh nhẹn, với đôi chân lúc nào cũng như nhún nhảy. Họ yêu nhảy múa, ca hát. Họ thích giao lưu, trò chuyện. Cậu bé chừng 4-5 tuổi, sống đối diện UBND xã A Vương, còn vui vẻ hoạt náo mời tôi nhảy cùng trong tiếng nhạc và sự cổ vũ của người lớn xung quanh. Cách họ cởi mở với người lạ, cách họ vô tư biểu lộ niềm vui khiến tôi tự nhìn lại bản thân, vốn hay mệt mỏi, than thở với những lo toan của cuộc sống thường nhật. Ở đâu chẳng có những nỗi lo, những sợ hãi, nhưng cuộc sống ở đây, với những người dân ở đây, tràn ngập nguồn năng lượng tích cực và sự lạc quan mà những con người hiện đại chúng ta vẫn luôn tìm kiếm. Chẳng phải, điều cốt yếu trong cuộc sống của mỗi người, đó là mưu cầu hạnh phúc hay sao?

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Tôi đã từng theo nhiều đoàn từ thiện, cũng tổ chức 12 chương trình từ thiện Tết An Bình hàng năm, đi tới những vùng sâu vùng xa từ Tây Bắc cho tới Nam bộ, nhưng cảm giác đi trao quà, trao cây ở Tây Giang thì khác hẳn. Đó là tâm thế của người dân Cơ Tu - những người được nhận. Họ tiếp nhận món quà với sự tự tin, sự vui vẻ, văn minh, và lời cảm ơn đầy chân thành, thực tế. Các cô gái xã Lăng nhận cây trồng, còn hỏi chi tiết cặn kẽ các chuyên gia theo đoàn về cách chăm sóc, và hướng dẫn chúng tôi cùng trồng cây. Họ tự tin bảo, giống cây tốt, thổ nhưỡng phù hợp, lại trồng đúng vào mùa mưa, đất ẩm, nên chắc chắn cây sẽ lớn rất nhanh. Vài năm nữa về đây, ngắm rừng. 

Nơi mùa xuân luôn hiện hữu

Lời cảm ơn của họ cũng khác. Các Mế khi nhận quà, người thì bảo không biết đoàn đến chơi, nên không chuẩn bị được đồ gì ăn cho mọi người, người thì lấn cấn vì không nói được tiếng Kinh, Mế muốn nói nhiều lắm nhưng không được, chỉ nói cảm ơn rồi siết bàn tay tôi, vỗ về bờ vai tôi. Tôi đến đây lần đầu, là khách, nhưng lại được tiếp đón như người nhà. 

Tôi bất giác nhận ra, trong chuyến đi này, chúng tôi không phải là người đi trao. Chúng tôi đến đây để gặp gỡ, để cùng người dân Cơ Tu. Chúng tôi chia sẻ với họ chút vật chất, còn họ chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện, những hình dung rất đỗi chân thực về những trải nghiệm sống, về niềm vui, sự lạc quan, tích cực. Những chia sẻ giữa người với người, qua hành trình, đã giúp chúng tôi nhân lên thật nhiều hạnh phúc.

Buổi chiều, rời Ch’ơm, trong ánh nắng nhuộm vàng, trẻ con đá bóng trên sân chơi chung, hòa lẫn tiếng cười và lời chào của các Mế. Hóa ra, bình an lại giản dị và dễ dàng tìm kiếm đến vậy, chỉ cần ta biết mở lòng.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.76081 sec| 670.117 kb