Con gái NSND Trần Hạnh cho biết ông đã qua đời vào lúc 2h50 sáng ngày 4/3, hưởng thọ 92 tuổi.
Trong 2 năm gần đây, sức khỏe của NSND Trần Hạnh xuống dốc, mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ còn 30%. Tay, chân yếu dần khiến ông phải từ bỏ việc đi xe máy. Dù di chuyển chậm chạp, khó khăn hơn trước, nghệ sĩ cố gắng tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày.
Được biết, đã có rất nhiều đạo diễn muốn mời ông đi đóng phim hài vào thời gian trước Tết. Dù rất háo hức cũng như muốn tham gia nhưng vì sức khỏe yếu, NSND Trần Hạnh đành phải ở nhà. Hiện tại, đồng nghiệp và người hâm mộ đã gửi lời vĩnh biệt người nghệ sĩ tài hoa và chia buồn sâu sắc với gia đình NSND Trần Hạnh.
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ gạo cội, gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội từ khi tốt nghiệp tới nghỉ hưu năm 1989.
NSND Trần Hạnh được đông đảo khán giả yêu mến qua những vai diễn trong phim truyền hình. Đến giờ, khán giả truyền hình đã quá quen với hình ảnh của ông cùng những vai diễn khắc khổ, người nông dân hiền hậu, hay người ông hiền từ. Nhiều người vẫn quen gọi ông là “lão nông” Trần Hạnh.
NSND Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1982 – 1984. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29/8/2020 ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Những năm 1970, 1980, ông có nhiều vai diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một vai chính trong các vở Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu...Trong tập sách Người Hà Nội, cố nhà văn Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Ông quen thuộc trong các bộ phim truyền hình như vai bí thư đảng ủy của "Làng nổi", bố An trong "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong "Người cầu may", ông Lâm trong "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong "Hãy tha thứ cho em"...