Sáng 15/11, tại Hội nghị triển khai thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2019 của Bộ Tư Pháp, ông Lê Xuân Hồng (Cục trưởng Thi hành án Hà Nội) cho biết việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn đang gặp khó khăn do số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà tài sản lại ít.
Trong vụ án ông Đinh La Thăng cố ý làm trái khi đầu tư 800 tỷ đồng vào OceanBank, số tiền cần thu hồi theo bản án là trên 800 tỷ đồng, riêng ông Thăng là 600 tỷ đồng. Tuy nhiên tài sản để thu hồi của ông này, theo thông báo Cục trưởng Hồng "chỉ còn một căn hộ chung cư và là sở hữu chung của vợ chồng". Việc thi hành án lại phải xác định phân chia như thế nào và chỉ thu được một phần của căn hộ chứ không phải tất cả.
Tương tự, tại vụ án liên quan Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank), cơ quan thi hành án phải thu trên 300 triệu cổ phiếu của bị cáo này. Thế nhưng, việc xác định bán cổ phiếu theo phương thức nào thì chưa được thống nhất nên phải mất thời gian chờ cơ quan chức năng giải quyết...
Ông Hồng đề nghị ngay từ quá trình điều tra, xét xử, các cơ quan chức năng phong toả tài sản. "Cần làm tốt khâu ngăn chặn tẩu tán tài sản của các bị cáo trong các vụ án kinh tế tham nhũng lớn, có như vậy kết quả thu hồi tài sản mới đạt kết quả tốt", Cục trưởng nêu quan điểm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu các đơn vị như toà án, cơ quan điều tra trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trong việc phát hiện, phong toả tài sản để tránh các bị can tẩu tán.
Ngoài các cơ quan tố tụng, kiểm toán, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, thanh tra và cung cấp thông tin về tài sản cho cơ quan thi hành án.
Ngày 26/6, tại phiên phúc thẩm vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào OceanBank, ông Thăng bị tuyên án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định về nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Toà yêu cầu ông bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN. Tại hai vụ án, tổng tiền ông phải bồi thường là 630 tỷ đồng.
Khai trước HĐXX ông Thăng từng nói: "Nhà tôi chỉ có một căn hộ chung cư, bán cũng chỉ khắc phục được phần nhỏ. Nếu tòa xử đúng phần trách nhiệm của tôi thì tôi cùng gia đình cố gắng khắc phục".
Theo Bộ Tư Pháp, trong năm 2018, các đơn vị Thi hành án dân sự thụ lý gần 930.000 việc, tăng 44.500 việc so với năm 2017. Thi hành xong hơn 570.000 việc, đạt khoảng 80%.
Về tiền, tổng số thụ lý là trên 196.000 tỷ, tăng trên 23.000 tỷ (13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178.000 tỷ, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 90.000, hiện đã thi hành xong trên 34.500 tỷ đồng, đạt 38%.
Theo VnExpress