11h30 ngày 6/8, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng hợp với 30 năm tù ông Danh phải nhận tại giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ), cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.
Trong vụ án này, HĐXX cho biết, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm 71 người; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng gồm 169 người. HĐXX nhận định, do tính chất phức tạp của vụ án, nên việc tách vụ án làm 2 giai đoạn là phù hợp với quy định pháp luật. Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) và các bị cáo là hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho VNCB.
Các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai biết rõ hành vi phạm tội của mình nhưng vẫn cố ý thực hiện. Bị cáo Danh là chủ mưu cầm đầu, bị cáo Mai và Khương là đồng phạm giúp sức tích cực.
Bị cáo Phan Thành Mai bị phạt 10 năm tù, tổng hợp hình cho hai bản án là 30 năm tù. Bị cáo Mai Hữu Khương bị phạt 10 năm tù, buộc chấp hành hình phạt chung cho hai bản án là 30 năm tù.
Bị cáo Trầm Bê bị phạt 4 năm tù. Bị cáo Phan Huy Khang bị phạt 3 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 đến 5 năm tù. Ngoài ra 20 bị cáo được hưởng án treo và 10 bị cáo tuyên thả tự do tại toà.
HĐXX xác định, ông Bê dù biết Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB không thể vay tiền của VNCB nhưng vẫn chỉ đạo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và các chi nhánh giải ngân cho 6 công ty của ông Danh vay.
"Các bị cáo không thẩm định phương án kinh doanh thực tế, dù hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn phê duyệt cho Danh vay, không kiểm tra sau khi cho vay... tạo điều kiện cho Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh vay, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng", bản án nêu.
Về trách nhiệm dân sự, vật chứng vụ án, HĐXX đánh giá, việc bị cáo Danh dùng số tiền gửi của VNCB để vay tiền là vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng.
Việc 3 ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank cho các công ty của bị cáo Danh vay trong khi chưa thẩm định hồ sơ, thu hồi nợ... nên hậu xảy ra là trách nhiệm của 3 ngân hàng này.
Trong vụ án này, bị cáo Danh biết rõ không thể vay tiền của VNCB, vì muốn có tiền sử dụng đã dùng tiền của VNCB để đi gửi các ngân hàng rồi dùng số tiền gửi này cầm cố đi vay tiền từ các ngân hàng. Sau đó, 3 ngân hàng đã thu hồi nợ số tiền mà VNCB cầm cố.
Việc 3 ngân hàng thu hồi nợ là phù hợp với quy định, do vậy số tiền mà 29 công ty của bị cáo Danh vay mới chính là số tiền vật chứng vụ án chứ không phải số tiền mà VNCB gửi ở 3 ngân hàng như nhận định của VKSND. Theo đó, HĐXX buộc BIDV hoàn trả lại cho VNCB 1.700 tỷ.
Ngoài ra, HĐXX xét thấy cần phải buộc bà Hứu Thị Phấn trả 600 tỷ đồng cho VNCB. Đối với số tiền 194 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản ông Trần Quý Thanh là số tiền vật chứng vụ án, do đó buộc ông Thanh phải hoàn trả cho VNCB. Buộc công ty Hải Tiến trả lại 338 tỷ đồng cho VNCB.
Đối với 2 bất động sản ở số 591 An Dương Vương (quận Bình Tân) và số 601 Hồng Bàng (quận 6) là tài sản của ông Trầm Bê, HĐXX cho rằng không liên quan đến vụ án nên sẽ giải tỏa kê biên.
Liên quan vụ án, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) nhận 10 năm tù, tổng hợp hình phạt cũ là 30 năm; Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) 3 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) lĩnh 10 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù... Các bị cáo còn lại lĩnh từ 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 4 năm tù.
Anh Vũ (TH)