Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phòng, chống tham nhũng cần chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn

Phòng, chống tham nhũng cần chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn
Sáng 25/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chánh Văn phòng, Trưởng ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy... 

Tham gia điều hành Hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc. 

Phòng, chống tham nhũng cần chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn
Công tác phòng, chống tham nhũng cần chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn.

Phải mang chuyển biến mới trong

Khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí mà nhân dân quan tâm, hy vọng, chờ đợi. Đây cũng là bước sơ kết 5 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng diễn ra vào tháng 5 năm 2014 có ý nghĩa mở đường, định hướng, nhìn lại công tác thực tế nhưng chưa nhiều mà chỉ thống nhất phương hướng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chính từ đó mở ra bước phát triển mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía. Mong rằng sau Hội nghị sẽ có bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn.

Tổng Bí thư khẳng định, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng. Hơn 100 đồng chí Ủy viên Trung ương và tất cả các đồng chí có trách nhiệm đều có mặt. Tổng Bí thư yêu cầu các đại biểu sau khi nghe chung về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt sau Đại hội XII, tiến hành thảo luận để đi đến kết luận chung, thống nhất cách làm hiệu quả, “phải mang chuyển biến mới trong đời sống xã hội. Hội nghị phải có ý nghĩa bổ ích, thiết thực, chứ nếu chung chung.... thì không thành công” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhiều kết quả cụ thể trong công tác PCTN

Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về  PCTN, sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, vừa khẩn trương, tích cực, vừa bài bản, chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm”.

Vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN được nâng lên. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN, vừa để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả PCTN.

Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái). Nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu. Đồng thời, các cơ quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi trên 260 ngàn tỷ đồng; chuyển xử lý hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi trên 165 ngàn tỷ đồng và 12 ngàn ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Ban Chỉ đạo đã thành lập 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 63 địa phương và 4 Đảng ủy, Ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 , với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 07 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 07 bị cáo; cảnh cáo 02 bị cáo. Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Điển hình là các vụ án: Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…

Các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng. Việc kê biên và thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế đạt khá cao. Năm 2016, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ 26%; năm 2017 đạt 29,45%; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 19%. 

Cùng với đó, công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm, phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tế về PCTN được mở rộng, bước đầu mở rộng PCTN ra ngoài khu vực Nhà nước.

Đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, những kết quả đạt được về công tác PCTN trong thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung; cùng với những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Theo chương trình, Hội nghị làm việc trong 1 ngày, Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo báo điện tử Đảng Cộng Sản

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.51158 sec| 670.805 kb