Phụ nữ lấy chồng ở xa để buồn. Đến ngày lễ ngày Tết cũng chẳng thể nào bỏ hết mà chạy về thăm ông bà, ba mẹ. Hôm rước dâu lỡ gặp nhà chồng thuộc dạng quy củ, thì cứ phải ngồi đủ chục tiếng đường xe, hoặc mấy tiếng đường tàu, đợi vào tới giờ làm lễ thì cũng nhừ cả người, mệt cả hơi.
Phụ nữ lấy chồng thích ăn chơi, để cả đời phải khổ.
Cơm nấu sẵn chẳng có người về ăn. Lúc đẻ đau không một ai ở cạnh chăm sóc. Ngày nào chồng vui thì về đỡ hậm hực được chút. Còn lỡ say xỉn thì xác định phải nghe lời hằn học, cộc cằn.
Lấy chồng có thói bạo hành, để cứ gồng mình lên hứng chịu những trận đánh. Nhẹ thì bầm sưng, tím tái. Nặng thì máu chảy, rách da.
Lấy chồng có tật qua đường với người thứ ba, để xót xa phận mình đàn bà, con gái.
Mạnh mẽ mà dứt ra thì sống đời thoải mái. Còn để vài ba năm, dăm ba tháng vẫn chẳng dám buông bỏ, thì cứ ôm mãi ở đó mớ nghĩ lo và tủi hờn.
Lấy chồng tâm tánh đàn bà, thích tranh cãi thiệt hơn, để mỗi lần ganh nhau lại thêm ấm ức trong lòng.
Giận dỗi thì chẳng ai dỗ dành, nhường nhịn. Sai hay đúng, cũng chẳng có người dịu nhẹ, chịu phân tích rõ ngọn ngành, giải thích cho mình nghe.
Lấy chồng, về nhà làm dâu, chỉ có mỗi mình một phe, để chẳng một lần cảm nhận được sự chở che và bao bọc.
Ở với mẹ chồng khó tính, chồng lại không bênh vực mình, rõ là sẽ chẳng cảm nhận được thứ gọi là tình cảm gia đình và sự bình yên. Nếu hiền ngoan thì phải chịu thiệt thòi. Còn phản kháng thì mang tiếng hỗn xược.
Đối với mấy chị mà được chồng thương yêu, mẹ chồng thấu hiểu, gia đình chồng gần nhà ba má ruột của mình, thì không nói chi. Vậy còn những chị em phụ nữ có số mệnh không mấy suôn sẻ như thế thì sao?
Bởi thôi, phụ nữ đừng nghĩ lấy chồng sớm là sướng, lấy chồng muộn là ế. Lấy chồng thì phải thực tế, hợp duyên thì cưới xin, nghịch duyên thì buông bỏ.
Huỳnh Khải Vệ