Tôi đang mang bầu được 5 tháng rồi mà tự nhiên mấy ngày nay thấy con có vẻ ít đạp hơn trước. Dù rất muốn đi siêu âm để xem con có bị làm sao không nhưng lại sợ dùng máy siêu âm con nhiều sẽ không tốt nên lại thôi. Mà nếu ở nhà cứ như thế này thì cũng không yên tâm được. Tôi có nên đi siêu âm hay không? Liệu việc siêu âm quá nhiều có ảnh hưởng tới em bé? Sóng siêu âm có độc hại hay gây dị tật cho em bé không? Tôi nên làm thế nào để bảo vệ con mình? (Hà Thị Hà, 24 tuổi, ở Hà Nội).
Bs. Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc trung tâm chẩn đoán trước sinh và Sàng lọc sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ với Zing.vn: Đến thời điểm hiện nay, chưa có nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng về việc sóng siêu âm gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai. Tuy nhiên, việc các sản phụ đi siêu âm quá nhiều là không cần thiết và gây lãng phí về tài chính cho thai phụ.
Do đó, các thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để được sự tư vấn từ bác sĩ.
Theo báo Người lao động, 3 thời điểm vàng mẹ bầu nên siêu âm là: 12-14 tuần (12 tuần), 21-24 tuần (22 tuần) và 28-32 tuần (32 tuần).
Trong trường hợp mẹ có song thai, đa thai, từng có thai chết lưu hay thai nhi có biểu hiện bất thường nào đó như đau bụng, ra máu, tăng cân nhanh...thì cần siêu âm nhiều hơn để biết cụ thể tình trạng của thai nhi.
Đối với ba giai đoạn này, mẹ bầu dù bận gì cũng phải sắp xếp thời gian để đến siêu âm. Lý do những mốc này trở nên quan trọng là vì:
Siêu âm lần thứ nhất: Là khi thai nhi đã được 12 – 14 tuần, mẹ bầu sẽ được bác sĩ kiểm tra về độ mờ da gáy để kịp thời phát hiện những bất thường trong nhiễm sắc thể hoặc những bất thường khác để chữa trị kịp thời. Đặc biệt tuần tuổi thai này, các bác sĩ sẽ sớm xác định được về tuổi thai, số lượng thai và ngày dự sinh em bé chính xác cho mẹ bầu nữa đấy nhé. Các mẹ nhất định đừng quên đi siêu âm thai trong thời điểm này.
Siêu âm lần thứ hai: Mang thai ai cũng mong con mình được khỏe mạnh, lành lặn, thì tuần thứ 22 – 24 chính là tuần để các bác sĩ khảo sát hình thể để phát hiện những bất thường của thai nhi, nhau thai hay nước ối. Đặc biệt các vấn đề về dị tật sứt môi hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh hay các vấn đề về nội tạng.
Siêu âm lần thứ ba: Khi thai nhi được 32 - 34 tuần, bác sĩ siêu âm để phát hiện bệnh về tim, mạch máu, não... vì những bệnh này thường xảy ra muộn. Đồng thời cũng biết được cân nặng, ngôi thai, nước ối, nhau thai có quấn vào thai nhi hay không để chuẩn bị cho lần sinh nở sắp tới.
Phong Linh