Trong thời gian gần đây, hình ảnh tuyển thủ Quốc gia Vũ Văn Thanh xuất hiện trong quảng cáo của ứng dụng được cho là đánh bạc Binomo lan truyền khá rộng rãi trên các trang web hay mạng xã hội. Điều đáng nói ở đây, ứng dụng này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cấm hoạt động hoặc có những biện pháp quản lý vô cùng chặt chẽ.
Theo tìm hiểu của phóng viên thì Binomo là một sàn giao dịch và đầu tư theo hình thức là đầu tư tài chính dưới dạng “quyền chọn nhị phân” (Binary Option), tức là người chơi sẽ dự đoán chiều hướng giá trị tài sản sẽ tăng hay giảm để thu lợi nhuận trong một khoảng thời gian cá cược nhất định. Nếu bạn lựa chọn đúng, bạn sẽ nhận được tiền lãi ngay lập tức, còn sai thì sẽ mất đi số tiền cược đó.
Nói cách khác đây hoàn toàn có thể là hình thức đánh bạc trá hình nên NHM Bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể lo lắng cho tương lai của cầu thủ Vũ Văn Thanh.
Chia sẻ về vấn đề này luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Nếu tuyển thủ Quốc gia Vũ Văn Thanh làm bảo trợ thương hiệu có cấu thành tội phạm (vai trò đồng phạm) hay không còn phụ thuộc vào việc cầu thủ này có biết việc làm của công ty kia hay không, có tham gia bàn bạc hay không? Cái này cần phải làm rõ".
"Văn Thanh sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Nếu có đủ chứng cứ xác định cầu thủ này có bàn bạc và hiểu rõ công ty kia mà Thanh bảo trợ truyền thông là hoạt động phạm pháp. Nếu Thanh biết công ty này là trá hình nhưng không biết cụ thể và hiểu rõ hoạt động của họ mà vẫn hợp tác thì vai trò nhẹ hơn. Còn ngược lại, nếu biết rõ thì Văn Thanh sẽ phải chịu khung hình phạt cao hơn", luật sư Trần Huy Tuấn chia sẻ.
Khi được hỏi, nếu ứng dụng Binomo mà Văn Thanh quảng cáo thực sự phầm mềm đánh bạc trá hình thì cầu thủ này có bị truy cứu không? luật sư Tuấn khẳng định: "Xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và có kết luận của cơ quan điều tra. Khi có kết luận thì khung hình phạt nào được áp dụng sẽ phụ thuộc vào các căn cứ điều tra có được. Hiện nay, chưa có bất cứ bằng chứng hay căn cứ nào để chúng ta khẳng định Văn Thanh vị phạm pháp luật cả nên tôi không đưa ra ý kiến về khung hình phạt".
Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng. Việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2019 quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng thì hành vi quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm là một trong các hành vi bị cấm theo quy định pháp luật .
Về chế tài xử lý hành vi này được quy định cụ thể tại Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch và quảng cáo.
Theo đó, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định.
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a, khoản 2 và khoản 3 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà có hành vi chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 65 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.