Theo Zingnews, chiều 29/10, khi đang dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận hiện trường vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nhận được thông tin về 5 nhóm công nhân bị cô lập ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.
Ông Quảng cho biết, 5 nhóm công nhân khoảng 200 người, đều làm việc tại nhà máy thủy điện Đăkmi 2. Khi khu vực này xảy ra sạt lở, tất cả tháo chạy rồi mất liên lạc với nhau. Khi bão số 9 đi qua, hầu hết các công nhân bị cô lập nên gọi điện cho cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ.
Ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Năng Lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2) cũng đang mắc kẹt giữa rừng. Ông cho biết trên Thanh Niên: “Hiện mọi người vẫn an toàn, tuy nhiên nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa mai (30/10). Sang ngày 31/10 thì không còn thức ăn gì nữa.
Tôi đã liên hệ với các ngành chức năng để báo tình hình và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng hiện đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở. Hiện các tốp công nhân đang ở 5 điểm khác nhau và không thể liên lạc với nhau”.
Chiều 29/10, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trên Người lao động, bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bộ Chỉ huy Bộ Đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đang đưa lực lượng lên huyện Phước Sơn để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị sạt lở vùi lấp tại xã Phước Lộc.
Các lực lượng chức năng huyện Phước Sơn cũng đang triển khai các giải pháp nhằm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho 200 công nhân bị mắc kẹt. Trường hợp không thể tiếp cận hiện trường bằng đường bộ và đường thủy, dự tính phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân.
Đến 14h, các chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn đã tiếp cận được 10 công nhân. Lực lượng chức năng đang tìm cách liên hệ với những người còn lại.
Hiện nay, các công nhân vẫn an toàn nhưng bão số 10 sắp đổ bộ, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương lên các phương án để đảm bảo sự an toàn cho các công nhân.