Nếu có một ngày bạn đi xe đạp ở Hà Lan, hẳn là bạn sẽ thấy rất ngại. Vì đi đến ngã tư nào cũng thấy người ta nhường đường cho mình.
Hà Lan là một trong những nước có tỉ lệ người đi xe đạp cao nhất thế giới. Ở tất cả các con đường, từ những thành phố sầm uất cho tới vùng quê yên bình luôn có một làn đường riêng dành cho xe đạp. Người đi xe đạp được ưu tiên, phí gửi xe cũng được miễn. Phương tiện cá nhân gọn nhẹ, thân thiện với môi trường như xe đạp rất được Chính phủ khuyến khích. Trong khi đó, người đi ô tô sẽ phải chịu thuế xăng dầu, thuế bảo trì đường bộ, phí gửi xe, nó đắt hơn nhiều so với việc sử dụng giao thông công cộng, càng đắt hơn nếu so sánh với đi xe đạp. Đó là những biện pháp của Chính phủ trong công cuộc khuyến khích người dân hạn chế di chuyển bằng ô tô.
Có lần tôi trò chuyện với Robert, cậu là trưởng nhóm của một công ty khởi nghiệp có tên là My Smoothie Fiets. Ở tuổi 23, cùng với hai người bạn học, ba cậu sinh viên này thiết kế ra những chiếc xe tập thể dục đặc biệt. Những chiếc xe được kết hợp với máy xay sinh tố. Nghĩa là vừa đạp xe, bạn vừa có thể xay hoa quả. Đó là những chiếc máy xay sinh tố hoạt động bằng “cơm” đúng nghĩa.
Robert bảo rằng, Chính phủ sẵn sàng bỏ ra mỗi giờ 100 Euro để thuê những chiếc xe kiểu này cho hoạt động công cộng nhằm quảng bá chúng. Nó khiến cho việc đạp xe vui hơn. Và vì thế, khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn.
Người dân Hà Lan sau một quãng thời gian dài tiêu thụ thức ăn nhanh và sử dụng ô tô, giờ đã thấy ngán. Bây giờ, dân Hà Lan chuyển sang một giai đoạn mới, là giao thông xanh.
Nó rất khác với Việt Nam, khi ô tô vẫn là một thứ phương tiện xa xỉ và người dân sau một thời gian dài sống dưới chế độ bao cấp, đang ra sức hưởng thụ những thành tựu của nền kinh tế thị trường. Ngoài việc để che nắng che mưa, thì ô tô còn là một thứ “di động sản” lớn cần phải bảo vệ. Tâm lý giữ xe vì thế khiến người ta có những hành động hết sức thiếu văn minh.
Chúng ta có thể bắt gặp một vụ va chạm ô tô, cả hai đều dừng lại giữa phố xá đông đúc để tranh cãi về việc ai là người có lỗi, mặc dù việc va quệt nhiều khi là rất nhỏ. Những người có xe cho rằng, mình có quyền làm thế, vì họ đang giải quyết một vụ việc đáng giá tiền triệu. Nhưng những người đi ô tô chưa bao giờ nghĩ rằng, việc khiến một con phố tắc nghẽn, có thể gây thiệt hại cho xã hội hàng tỷ đồng và gây ức chế cho hàng nghìn người.
Chỉ cách đây mấy hôm, một phụ nữ quay đầu xe giữa cầu Cót ở Hà Nội một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, văn hóa đôi khi không đi cùng với sự giàu có. Sự giàu có đến trước, một cách đột ngột, rồi sau đó, văn hóa lẽo đẽo chạy theo. Tình trạng tham nhũng, những cơn sốt bất động sản, đang tạo ra một tầng lớp “elite” (tầng lớp tinh hoa) nửa mùa kiểu này.
Ở châu Âu, có hai đặc điểm chính khi tham gia giao thông, khác hoàn toàn so với Việt Nam.
Thứ nhất, người ta không ấn còi xe inh ỏi. Nếu ai sang châu Âu sẽ thấy, hầu như trên đường chỉ nghe thấy tiếng động cơ ì ì chạy, mà không có tiếng còi xe. Còi xe chỉ sử dụng trong những trường hợp thật khẩn cấp. Vì khi anh ấn còi vô cớ, anh cũng có thể bị phạt.
Thứ hai, người ta sẽ nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, hay đi ô tô bằng một cái vẫy tay. Khi anh vẫy tay qua mặt nghĩa là anh ra hiệu cho người đối diện đi ngang qua, anh nhường người ta đi trước.
Nhưng nói thế, không có nghĩa rằng, tham gia giao thông ở “Tây” thì không có nỗi sợ. Ở Tây, ai cũng sợ đi sai, đặc biệt là những người mới sang, vì không am hiểu luật lệ. Thứ nữa, mọi người đều tin tưởng tuyệt đối vào pháp luật nên người ta lái xe rất nhanh. Và vì thế, khi bạn sai thì bạn không có cơ hội.
Ở Việt Nam thì khác, khi ta đi đúng, ta vẫn có một nỗi sợ rất thường trực, là sợ người khác đi sai mà chẳng may lại “to mồm” và liều lĩnh hơn ta. Đi đến đâu cũng sợ, chẳng may có va chạm, mình có biết đường mà cãi không? Hay là bị những nắm đấm hăm dọa không?
Nguyễn Vương