Bước sang năm 2018, với việc các mẫu xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu xuống mức 0%, ôtô có dung tích dưới 2.0L giảm thêm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt, thị trường ôtô trong nước được kỳ vọng sẽ trở nên sôi động và tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, ngược lại, hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán ô tô tháng 3/2018 đạt 21.127 xe, tuy có tăng cao so với tháng 2/2018 tới 70% nhưng lại giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 3/2018 cũng giảm 8% so với cùng kì năm ngoái.
Từ sau Tết Nguyên đán 2017, thị trường ô tô Việt Nam bắt đầu trầm lắng do người tiêu dùng tạm ngừng mua, đợi sang năm 2018 xe nhập khẩu hưởng thuế 0% về nước, giá rẻ mới mua. Mặc dù vậy, thị trường ô tô tháng 3/2017 và ba tháng đầu năm 2017 vẫn có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2016 - năm có doanh số bán ô tô cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, tháng 3/2018 và ba tháng đầu năm 2018, doanh số bán xe đều giảm so với cùng kỳ 2017. Điều này cho thấy thị trường ô tô chưa khởi sắc, vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng.
Nguyên nhân chính vẫn là do người tiêu dùng chưa vội mua xe, vẫn có ý chờ đợi tới quý 3/2018, khi ô tô nhập khẩu về nhiều, giá bán có thể sẽ rẻ.
Thậm chí, trên một số trang mạng, diễn đàn ô tô, đang có những lời kêu gọi tạm ngừng mua ô tô, để chờ giảm giá hơn nữa.
Một thành viên cho hay, năm 2017, khi nhiều người quyết định không mua xe ô tô, nhu cầu giảm mạnh, khiến các DN phải liên tục giảm giá bán. Đó là tiền lệ chưa hề xảy ra trên thị trường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô, đà sụt giảm doanh số của thị trường ôtô Việt có thể còn kéo dài thêm trong ít nhất một quý tới trước khi các đơn vị nhập khẩu và sản xuất lắp ráp giải quyết được bài toán nguồn cung cũng như đáp ứng các điều kiện nhập khẩu và đưa số lượng lớn xe miễn thuế về nước. Thị trường ôtô Việt vì thế sẽ trở nên sôi động hơn từ nửa cuối của năm nay.
Nỗi lo độc quyền xe nhập
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2018, lượng nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc giảm 84% so với cùng kỳ năm 2017, với mức giảm hơn 22.100 chiếc.
Điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp về chính sách nhập xe ngày một rõ nét và phần lớn tác động trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo số liệu cụ thể của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, trong quý I/2018, lượng xe nhập khẩu của các thành viên trực thuộc, nắm giữ thị phần lớn như Toyota, Honda, Ford, Trường Hải, Mitsubishi, Nissan hay Suzuki... cũng đã giảm 48% về lượng.
Hiện xe nhập từ Thái Lan về Việt Nam được nói đến nhiều nhất, các loại xe về Việt Nam bây giờ đều phải “qua tay” các liên doanh lớn ở Việt Nam như Honda, Ford, Mitsubishi, Suzuki, Toyota... Các doanh nghiệp khác như Trường Hải - Thaco ngày càng chú trọng nội địa hoá các dòng xe của Kia và Mazda. Phần xe nhập BMW và Peugoet chủ yếu từ Đức và Pháp hoặc được lắp ráp trong nước.
Về sự đa dạng trong xuất xứ nhập xe, nếu trước đây thị trường có đủ loại xe từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Đức, Nhật, Pháp, Nga, Anh, Mỹ... thì gần đây cùng với xu hướng thắt chặt nhập khẩu, các liên doanh cũng chuyển hẳn sang nhập xe Thái, các thị trường khác đều giảm hoặc ngừng nhập xe vì nhiều nguyên nhân. Điều này khiến nguy cơ xe nhập Thái "khuynh đảo" thị trường ở Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá có độ rủi ro cao và nguy cơ xe Thái độc quyền về giá và ôm hết các phân khúc xe, sẽ rất nguy hiểm cho thị trường. Bài học xương máu là các liên doanh xe hơi của Úc mới bị xe không thuế của Thái Lan, Trung Quốc đánh sập.
Hạ An (TH)