Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Về gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra.
"Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm. Chúng tôi đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018", Bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Nhạ cho hay hiện nay đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở có thể bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế. Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi.
Ngoài ra, Bộ sẽ cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan; quy định rõ trách nhiệm của địa phương, trường đại học và các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh tra của Bộ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, có ý kiến đề xuất giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương; thi đại học, cao đẳng giao cho các trường tổ chức. Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt.
Việc để các trường đại học tự tổ chức thi thì Bộ đã khuyến khích, nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí. Hơn nữa, tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ tổ chức thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái Luật Giáo dục. Nếu bỏ thi học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận. Bộ cũng không thể tổ chức thi ĐH, CĐ vì vi phạm quyền tự chủ của các trường mà Luật GDĐH năm 2012 đã quy định.
Theo Bộ trưởng Nhạ, Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học đang được sửa, vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, ông Nhạ nói.
Anh Huy (TH)