Sau khi bức ảnh và câu chuyện của "Cậu bé băng giá" Vương Phú Mãn lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ trường Tiểu học Zhuan Shan Bao (Trung Quốc) - nơi Mãn theo học - và gia đình em.
Hôm 10/1, khoản tiền quyên góp 100.000 nhân dân tệ (tương đương 15.500 USD) đã được gửi đến trường Tiểu học Zhuan Shan Bao. Chính quyền địa phương cũng nhận được khoảng 300.000 nhân dân tệ (tương đương 46.300 USD) vào chiều cùng ngày. Như vậy, mỗi học sinh sẽ nhận được khoảng 500 nhân dân tệ (tương đương 77 USD) để giúp các em giữ ấm trong mùa đông.
Cục Kỹ thuật Xây dựng Trung Quốc III, chi nhánh Côn Minh, tặng 144 bộ quần áo mùa đông và 20 lò sưởi cho trường này. Tổng số tiền quyên góp giúp "Cậu bé băng giá" và ngôi trường nam sinh theo học đã lên đến con số 17 triệu nhân dân tệ, tương đương 2,6 triệu USD.
Cha Mãn muốn cậu bé tự lực tiến thân bằng cách học hành chăm chỉ hơn là phụ thuộc vào sự giúp đỡ. Ước mơ của Mãn cũng chỉ đơn giản là sau này có thể theo học trường đại học ở Bắc Kinh.
Kể lại câu chuyện của mình, cậu bé Phú Mãn cho biết, cậu thường mất nửa tiếng để đi từ nhà đến trường. Nhưng ngày đó, mưa tuyết nhiều, đường rất trơn khiến Phú Mãn nhiều lần bị ngã. Bởi vì vội đến lớp mà cậu bé quên mặc thêm áo và mang ô. Đến khi đến lớp thì mặt mũi đã đỏ ửng, tóc cũng dựng đứng rồi đóng băng hết cả.
Cậu bị thầy giáo trêu "bỗng dưng tóc bạc trắng" và chụp lại đăng lên mạng. Thế là cậu bỗng dưng nổi tiếng, sau đó, thầy giáo nói với cậu rằng có rất nhiều người quan tâm đến cậu bé.
Câu chuyện tô đậm vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục ở Trung Quốc
Thực tế, Mãn là một trong hàng triệu trẻ em sống ở những vùng nghèo khó của Trung Quốc. Câu chuyện của em đã tô đậm vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục ở quốc gia này.
Đói kiến thức, những học sinh như Mãn thường phải đi bộ đến lớp - nơi đa phần không có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông. Hình ảnh này tương phản những lớp học ở thành phố loại một. Ở đó, phụ huynh khá giả sẵn sàng chi hàng chục nghìn nhân dân tệ cho con học thêm và tham gia các trại hè.
Theo Global Times, học sinh nông thôn, đặc biệt những em bị bỏ lại với người thân do bố mẹ phải đi làm xa, cần được hỗ trợ giáo dục nhiều hơn. Bởi với học sinh nghèo, nền giáo dục có thể ảnh hưởng trực tiếp công ăn việc làm, lương bổng và môi trường làm việc của các em trong tương lai.
Tú An (Tổng hợp)