Phân lô bán nền đất công viên
UBND phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM vừa đưa ra khuyến cáo trước việc xuất hiện nhiều đối tượng tiếp thị, quảng cáo bán đất nền trái phép trên địa bàn. Theo UBND phường Thạnh Xuân, hiện nay trên tuyến đường TX25, đoạn cống hộp số 4, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, xuất hiện nhiều đối tượng tiếp thị quảng cáo mua bán đất trên các khu đất phân lô tự phát không đúng quy định.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và tâm lý muốn mua đất giá rẻ trên địa bàn phường, các đối tượng phát tờ rơi với nội dung: “… Giá bán 795 triệu/nền chính chủ, cam kết đúng giá, đúng diện tích, đúng vị trí. Xây dựng ngay sau công chứng, hạ tầng hoàn thiện…”.
Tuy nhiên, qua rà soát, UBND phường Thạnh Xuân xác định các khu đất các khu đất được các đối tượng rao bán đều thuộc quy hoạch đất công viên hoặc công trình công cộng, không đủ điều kiện giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở và cấp giấy phép xây dựng , cũng như tách thửa theo diện tích đất ở…
Để không trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, UBND phường Thạnh Xuân khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tránh bị lừa bởi các đối tượng trên. UBND phường Thanh Xuân cũng cho biết, hiện công an phường đã xử lý một nhóm đối tượng về hành vi tiếp thị, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo không đúng nơi quy định.
Tại sao CBRE bưng bít số lượng người nước ngoài mua nhà?
Theo số liệu được công bố bởi CBRE Việt Nam, tỉ lệ người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM (thông qua CBRE Việt Nam) tăng từ 53% (năm 2016) lên 64% (năm 2017) và 76% (9 tháng đầu 2018). Trong đó, tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà qua đơn vị này có biến động lớn nhất.
Từ số liệu tỉ lệ người Trung Quốc mua nhà tăng đột biến, có nhiều thông tin trên truyền thông tiếp đó đã khẳng định, người Trung Quốc mua nhà tăng đột biến. Ở đây, cần làm rõ vấn đề “tỷ lệ” và “số lượng” không đi đôi với nhau.
Tỉ lệ người nước ngoài mua nhà tại CBRE Việt Nam tăng qua các năm. Vậy số lượng người nước ngoài mua nhà tại CBRE Việt Nam trong các năm đó có tăng lên không? Đây là điều đáng nghi vấn và VietNamNet đã đặt ra câu hỏi về vấn đề này cho CBRE Việt Nam. Nhưng câu trả lời từ đơn vị này là xin phép không chia sẻ số liệu.
Nếu nhìn thị trường TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2018, có thể thấy nguồn cung căn hộ hạng sang (phân khúc mà CBRE Việt Nam phân phối) chỉ đến chủ yếu từ vài dự án mới ở quận 1. Tuy nhiên, giao dịch không mấy khả quan, vì mức giá bị đẩy lên quá cao so với vị trí.
Là đơn vị tư vấn, báo cáo thị trường, nhưng cũng trực tiếp làm môi giới, liệu CBRE Việt Nam có công bố thông tin, nếu tổng lượng giao dịch ở dự án hoặc phân khúc họ đang bán đi xuống? Đây cũng là vấn đề khó cho những đơn vị “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi công bố số liệu.
Đánh giá về tính khách quan trong trường hợp này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, điều này khó vì hầu hết các công ty xem nghiên cứu thị trường là yếu tố phụ. Nguồn thu nhập chính là việc tư vấn và bán hàng. Do đó, khó tránh khỏi yếu tố thiên vị và chủ quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, CBRE là dạng sàn giao dịch bất động sản cho thị trường cao cấp, cũng có thể họ đẩy lên để bán hàng.
HoREA quan ngại mua nhà nhằm mục đích ‘rửa tiền’
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong phân khúc bất động sản cao cấp, trên địa bàn thành phố tăng mạnh so với năm 2017.
Theo báo cáo thị trường của CBRE năm 2018, trong phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang thì tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; đầu tư ngắn hạn chiếm 13%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%.
So sánh với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%; đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, thì tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.
Hiệp hội nhận thấy trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%; Phân khúc bình dân khoảng trên dưới 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản.
Dân Nha Trang đội mưa đi căng băng rôn đòi nhà
Ngày 31/12 vừa qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang , tỉnh Khánh Hòa, bất chấp trời mưa gió vẫn mang băng rôn tới căng trước trụ sở Công ty TNHH Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Nha Trang, để đòi nhà. Sau đó, những người này tiếp tục mang băng rôn tới căng trước trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa, để cầu cứu cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu, sở dĩ khách hàng mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội HQC Nha Trang tập trung căng băng rôn vào ngày 31/12/2018 là do: Ngày 30/12/2018 là hạn chót bàn giao nhà, theo như trả lời của Công ty Hoàng Quân với Ban đại diện cư dân HQC Nha Trang, tại công văn số 21/2018/CV-HQ ngày 21/9/2018.
Tuy nhiên, Chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng lời hứa của mình. Bởi ngày 29/12/2018, Công ty Hoàng Quân lại ra thông báo lùi thời gian bàn giao nhà. Cụ thể: Thời gian hoàn thiện căn hộ thuộc khối B2 chậm nhất là ngày 25/1/2018. Chậm nhất tới ngày 31/3/2019, khách hàng sẽ được vào ở; Còn đối với 3 khối nhà còn lại, sẽ được hoàn thiện chậm nhất là 30/4/2019. Và chậm nhất tới 30/6/2019 khách hàng sẽ được vào ở.
Trong khi đó, theo hợp đồng ký kết với khách hàng, Công ty Hoàng Quân đưa ra thời gian bàn giao căn hộ thô cho khách hàng vào Quý II/2016.
Theo Vietnamnet