Thời phong kiến, nếu xảy ra vụ gian lận thi cử long trời lở đất như vậy, chắc chắn Thượng thư bộ Học và Tổng đốc Hà Giang sẽ bị cách chức, thậm chí sẽ bị xử tội đồ (lưu đày làm nô lệ), còn người trực tiếp sửa điểm sẽ bị xử tội chết .
Cố sự nổi tiếng về việc xử nghiêm án gian lận thi cử có liên quan đến hai văn nhân lẫy lừng thời nhà Nguyễn "thần Siêu, thánh Quát". Năm 1841, niên hiệu Minh Mạng thứ 21, trong kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 quyển bài thi của học trò, đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ. Triều đình tra xét, hai ông quan sơ khảo Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, nhưng sau đó được tha cho đổi thành giảo giam hậu (giam được 3 năm thì thả). Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, phạt trượng nhưng sau xét lại chỉ cách chức.
Trước đó, kỳ thi cuối năm 1696, Tham tụng (người đứng đầu chính quyền trong phủ chúa Định Nam vương Trịnh Căn - chức vụ có quyền hạn của Tể tướng ) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kỳ thi Hương cho Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết).
Ở thời nào, quốc gia nào thì giáo dục vẫn luôn được coi “bách niên chi kế”. Nếu xảy ra gian lận trong sự nghiệp “trồng người”, sĩ tử gian lận đương nhiên không những không trở thành rường cột của xã tắc mà còn là chướng ngại ngăn trở hiền tài cống hiến cho quốc gia.
Xử nghiêm các hình thức gian lận thi cử là cần thiết, vì gian lận thi cử chính là một tội ác. Lạm dụng quyền hạn để thủ ác lại càng không thể dung tha.
Nguyễn Lôi Thạch
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.