Theo đó, sinh viên được đánh giá giảng viên theo các tiêu chí về phương pháp giảng dạy, trách nhiệm, sự nhiệt tình, tác phong sư phạm của giảng viên.
Mục đích của việc đánh giá này nhằm góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Thông qua đó, sinh viên cũng được nhìn nhận lại những yếu tố đào tạo mà bản thân cần để góp ý cùng nhà trường đổi mới.
Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia tích cực hoạt động đánh giá giảng viên, có thái độ khách quan, trung thực về việc cung cấp thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đồng thời, các giảng viên phải tôn trọng, có tinh thần cầu thị trước kết quả xử lý thông tin phản hồi từ phía người học về hoạt động giảng dạy của bản thân để kịp thời sửa chữa những thiếu sót nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Với thang điểm 10 tương ứng với mức độ đánh giá, giảng viên được đánh giá với các tiêu chí như chuẩn bị bài giảng (tài liệu, phương tiện giảng dạy,…); phương pháp giảng dạy (mức độ tương tác, sử dụng công cụ giảng dạy tích cực,…); nội dung giảng dạy (kiến thức chuyên môn, nội dung giảng dạy thực tiễn,…); quản trị lớp (giảng dạy nghiêm túc, thời gian lên lớp,…); đánh giá chung về mức độ đáp ứng của môn học với kỳ vọng của người học.
Trong những năm qua, kết quả lấy ý kiến phản hồi của người học đối với hoạt động giảng dạy tại trường Đại học Đại Nam phản ánh kết quả tốt. Giảng viên được đánh giá là dạy tốt chiếm bình quân trên 80%, khá chiếm khoảng 20% và không có giảng viên bị đánh giá chất lượng giảng dạy trung bình. Hơn nữa, những điểm tồn tại được trao đổi và có kế hoạch hành động khắc phục một cách cụ thể nên chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
PV