Sau quá trình điều tra, đêm 23/3 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra-Công an tỉnh Sơn La về vụ việc gian lận thi cử của tỉnh này.
Theo đó, cơ quan điều tra đã xác định được những bài thi có sửa chữa trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Sau khi chấm thẩm định cho thấy có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Có thí sinh được nâng 26,55 điểm/3 môn. Có bài thi môn Toán của một thí sinh được nâng tới 9,00 điểm.
Theo quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018, kết quả chấm thẩm định này là kết quả chính thức, được sử dụng thay thế kết quả đã công bố trước đây để xét công nhận lại tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.
Tại sao giấu giếm thí sinh gian lận thi cử?
Mặc dù đã phát hiện được việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng cho đến nay danh sách thí sinh được nâng điểm vẫn đang bị giấu giếm. Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao việc này vẫn bị giấu giếm?
Chia sẻ về việc này phụ huynh ở Sơn La cho biết, trong top những thí sinh có điểm thi cao bất thường, không ít em là con, cháu của các cán bộ, lãnh đạo phòng, ban của tỉnh này.
Đương nhiên, không phải con ông cháu cha thì làm sao có cửa để được sửa điểm.
Những người tham gia sửa điểm thừa biết họ làm như vậy là vi phạm pháp luật, là có thể vào vòng lao lý, nhưng họ vẫn dám làm vì họ tin là làm cho con cha cháu ông thì những vị cha và ông đó sẽ bảo vệ họ.
Cùng với quyền lực là tiền bạc, nhiều người có thừa tiền để bỏ ra mua điểm cho con họ. Không ai tự nhiên đi sửa điểm cho thí sinh, họ phải nhận lại một số tiền hoặc một lợi ích nào đó tương xứng.
Thí sinh được nâng điểm là con cha cháu ông cho nên phải giấu giếm, vì nếu công khai danh sách thì sẽ lòi ra cái tên của ông và cha. Việc này không chỉ mất mặt, là mất danh dự, mà rất nguy hiểm. Đưa tiền để nhận lại một lợi ích, dù là điểm thi cho con, cũng cần xem xét đó có phải là hành vi đưa và nhận hối lộ hay không?
Chị N.T.H (phụ huynh ở huyện Mai Sơn, Sơn La) cho biết chị vui vì cuối cùng vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La được làm sáng tỏ. Những thí sinh được nâng điểm, lấy đi cơ hội của nhiều thí sinh khác phải trả giá. Xen lẫn đó là cảm giác tức giận khi biết có thí sinh được nâng tận 8-9 điểm – số điểm hàng triệu thí sinh trên cả nước phải rất nỗ lực mới có được.
"Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần công bố danh sách 44 thí sinh được nâng điểm của Sơn La và có hình thức xử lý những phụ huynh đã chạy điểm cho con".
H.A (TH)