Hoạt động thu hồi công nợ là gì?
Theo quan điểm của Luật sư Hà, thu hồi công nợ được hiểu là việc yêu cầu bên nợ thanh toán cho chủ nợ các khoản tiền, tài sản khác khi đến hạn hoặc quá hạn phải trả theo hợp đồng hoặc theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công nợ phải thu có ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và tài chính doanh nghiệp. Do đó việc thu hồi công nợ đóng vai trò then chốt, phải xử lý cẩn thận và chính xác. Và để thực hiện tốt quá trình đó, doanh nghiệp nên áp dụng đa dạng những chính sách, biện pháp thu hồi nợ. Đối với mỗi bên nợ khác nhau, doanh nghiệp có thể lựa chọn biện pháp khác nhau. Nếu áp dụng các biện pháp thích hợp cho từng đối tượng thì khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Việc áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật hoặc không thích hợp đối với bên nợ (ví dụ như với bên có thiện chí lại cứng rắn và với bên không có thiện chí lại buông lỏng) có thể khiến việc thu hồi nợ của doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, tùy vào từng đối tượng bên nợ, doanh nghiệp nên linh hoạt áp dụng các biện pháp cho phù hợp nhằm giúp cho việc thu hồi nợ được nhanh chóng, dễ dàng.
“Công nợ là một trong những chỉ tiêu phản ánh khá sát chất lượng hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Nếu hoạt động tài chính tốt, thì Doanh nghiệp sẽ ít công nợ, khả năng thanh toán dồi dào. Ngược lại, nếu hoạt động tài chính không lành mạnh thì sẽ dẫn tới tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, các khoản nợ phải thu sẽ kéo dài. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp.” – Luật sư Hà chia sẻ
Thu hồi công nợ giúp Doanh nghiệp đảm bảo được lợi nhuận kinh doanh
Lợi nhuận được hiểu là khoản chênh lệch giữa phần doanh thu của Doanh nghiệp và phần chi phí họ chi ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận được coi là kết quả tài chính cuối cùng của hoạt động kinh doanh, đồng thời nó cũng là cơ sở và là nền tảng để từ đó có căn cứ đánh giá hiệu quả kinh tế mỗi Doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự cho biết: “Thực tế thì các Doanh nghiệp đều mong muốn chiếm dụng vốn của các Doanh nghiệp khác càng lâu, càng có lợi cho mình, đặc biệt với hoàn cảnh mà kinh tế khó khăn như những năm gần đây. Hầu hết các Doanh nghiệp thực hiện việc chiếm dụng vốn của Doanh nghiệp khác thông qua việc không thanh toán, hoặc kéo dài thời gian thanh toán đối với các khoản công nợ. Do đó, khi công nợ không được thu hồi, đồng nghĩa với việc phần lợi nhuận của Doanh nghiệp không đảm bảo, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền, tài chính của Doanh nghiệp.”
Một ví dụ được Luật sư Hà cho hay, khi Doanh nghiệp bán được một đơn hàng và cho phép khách hàng thanh toán chậm 30 ngày. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, khách hàng không thực hiện việc thanh toán và kéo dài thời hạn thanh toán. Doanh nghiệp chỉ có tiền khi khách hàng trả tiền, có thể thấy khi đó, không chỉ không thu được lợi nhuận mà phần chi phí Doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất đơn hàng đó cũng không thu được theo đúng kế hoạch. Đối với những tình huống này, đối với đơn hàng có giá trị nhỏ thì Doanh nghiệp vẫn có khả năng để xoay chuyển vốn, dòng tiền để tiếp tục hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nếu đơn hàng có giá trị lớn hoặc nhiều đơn hàng đều gặp phải tình trạng chậm thanh toán, công nợ Doanh nghiệp phát sinh, sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến dòng tiền của Doanh nghiệp.
Thu hồi công nợ quyết định “sự sống” của Doanh nghiệp và tránh được nhiều rủi ro
Doanh nghiệp đạt được trạng thái hoạt động lý tưởng khi không còn nợ quá hạn và không bị doanh nghiệp nào đó chiếm dụng vốn quá thời gian quy định. Nhưng thật là khó để tìm ra doanh nghiệp nào có thể đạt được trạng thái này giữa hàng ngàn Doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhiều Doanh nghiệp có thể bị phá sản bởi vì không thể thanh toán được các khoản nợ hoặc không thể thanh toán được các khoản nợ đã quá hạn do nguồn vốn không còn vì các khoản nợ của Doanh nghiệp chưa thu hồi được. Do đó, việc thu hồi công nợ đối với Doanh nghiệp là một việc quan trọng, thiết yếu trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo được sự ổn định về tài chính và lợi nhuận. Khi tài chính, lợi nhuận ổn định, Doanh nghiệp có thể có những kế hoạch tài chính, phương án kinh doanh phát triển phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của mình. Khi tài chính, lợi nhuận không ổn định, Doanh nghiệp có thể xảy ra tình trạng vay vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong hoạt động kinh doanh, việc vay vốn từ các tổ chức khác là dễ hiểu. Trường hợp Doanh nghiệp đi vay vốn từ các tổ chức khác và có thể đảm bảo thanh toán đúng hạn thì không xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, trường hợp Doanh nghiệp đi vay vốn từ các tổ chức khác để kinh doanh nhưng không đảm bảo được thời hạn thanh toán thì rủi ro đối với Doanh nghiệp là rất lớn. Nếu khoản vay vốn ấy bị đẩy vào nhóm nợ xấu, doanh nghiệp có thể bị liệt vào danh sách đen, rất khó để tiếp tục đi vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức khác. Nghiêm trọng hơn là tài sản thế chấp của Doanh nghiệp có thể bị tịch thu trong trường hợp này.
Một ví dụ khác được Luật sư Hà đưa ra, trong những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Công ty Cổ phần A (LS Hà xin giấu tên) cũng không ngoại lệ. Công ty Cổ phần A là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng. Ông Đ.Đ.Q – Giám đốc công ty phản hồi rằng: “Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Công ty A kinh doanh khá tốt, cung cấp vật liệu cho nhiều công trình lớn. Đến đầu năm 2021, do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh bị đình trệ ngay tức khắc. Kinh doanh bị trì trệ, các khoản công nợ trước đó khó thu hồi do hầu hết các đối tác, khách hàng của Công ty cũng đều gặp phải tình trạng khó khăn do dịch bệnh. Khi đó, tài chính Công ty gần như cạn kiệt, chúng tôi đã phải đi vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác để có thể duy trì hoạt động của Công ty. Thời điểm đó thực sự là thời gian khủng hoảng khi mà chúng tôi gửi đề nghị thanh toán cho các đối tác, khách hàng thì hầu hết không có phản hồi hoặc phản hồi rằng rất khó khăn trong việc thanh toán. Cũng may nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã dần phục hồi và hoạt động trở lại được như ngày hôm nay. Do đó, có thể thấy việc thu hồi công nợ là việc vô cùng quan trọng nhất là trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid. Việc không thu hồi được công nợ có thể sẽ dẫn đến việc Doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể.”
Do đó, hoạt động thu hồi công nợ được hay không có ảnh hưởng khá nhiều đến “sự sống” của Doanh nghiệp cũng như những rủi ro về tài chính mà Doanh nghiệp có thể gặp phải. Có thể thấy, công nợ là một phần khó tránh trong hoạt động kinh doanh hiện nay và hoạt động thu hồi công nợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mọi Doanh nghiệp. Từ đó, Doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống, quy trình kiểm soát và quản lý công nợ một cách hiệu quả, để hạn chế tối đa việc phát sinh công nợ, đảm bảo ổn định tài chính và phát triển.