Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tác động ra sao?

Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tác động ra sao?
Trước thông tin bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc tăng thuế xăng dầu sẽ tác động đến toàn nền kinh tế.

Mới đây, bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế BVMT, trong đó có đề nghị tăng thuế đối với một số hàng hóa và đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc tăng kịch khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và người “lãnh đủ”. Bên cạnh đó, cũng có không ít người dân bày tỏ lo lắng khi loại thuế này tăng lên.

Chia sẻ với PV, anh Đặng Hồng Sơn (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc: “Đã sử dụng xăng E5 để BVMT giờ còn bị tăng thuế môi trường. Đúng là bó tay luôn”.

Chị Phan Hồng Nhung (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Nước ta có tài nguyên thiên nhiên trong đó có mỏ dầu đó là lợi thế so với các nước không có mỏ dầu. Đất nước ta đã khai thác và xuất khẩu nhưng người dân chưa thực sự hưởng lợi từ đặc quyền này. Cần minh bạch công khai cho người dân biết nguồn tài nguyên dầu mỏ bấy lâu nay sử dụng thế nào?”.

Cũng cùng ý kiến về việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, chị Hương Giang (phố Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy) lo lắng: “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu gắn liền với sinh hoạt hàng ngày, việc tăng giá BVMT sẽ kéo theo hàng loạt các dịch vụ tăng theo, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nhân dân”. 

Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tác động ra sao?
Thông tin tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung khiến người dân lo lắng (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, anh Trần Văn An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết, gia đình anh có 2 xe ô tô loại 30 chỗ chuyên chở khách đi tuyến Hà Nội – Nghệ An. Tính trung bình, mỗi tháng anh tiêu thụ hết khoảng 3.000 lít xăng.

“Nếu giá xăng tăng thì chúng tôi buộc phải tăng giá cước vì nếu không tăng giá thì chúng tôi không có lãi, mà nếu tăng giá thì cũng lại khó khăn vì giá tăng thì sức cạnh tranh cũng giảm”, anh An nói.

Trước những phản ứng khá gay gắt của người dân, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Xăng dầu đi vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống. Từ những doanh nghiệp kinh doanh sản xuất cho đến người dân đều sử dụng xăng dầu. Vì thế tăng thuế xăng dầu sẽ tác động đến toàn nền kinh tế.”

Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tác động ra sao?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu , việc áp thuế BVMT lên xăng sẽ làm tăng phí sinh hoạt của người dân, tăng phí sản xuất kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp đồng thời có thể dẫn đến lạm phát khi tất cả các chi phí, giá cả cũng tăng theo.

Trước thắc mắc của PV, làm thế nào để biết được thuế BVMT được sử dụng đúng cách?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm: “Việc này chắc chắn bộ Tài chính phải theo dõi chặt chẽ đầu vào và đầu ra, đồng thời phải lên Quốc hội từng kỳ một để người dân đều nắm được. Việc tăng thuế có thể là điều cần thiết nếu tiền thuế được sử dụng cho môi trường thật chính xác, thật sự có hiệu quả trong việc BVMT thì tôi ủng hộ.”

Phân tích vấn đề theo một hướng mới, chuyên gia Phạm Sỹ Thành cho rằng, phần lớn băn khoăn của người dân về tăng thuế BVMT đang dồn lên xăng dầu. Trong khi trên thực tế, một mặt hàng gây ô nhiễm môi trường hơn, nhưng lại chịu thuế môi trường thấp hơn là than đá.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu lên kịch khung sẽ tác động ra sao?
Chuyên gia Phạm Sỹ Thành.

“Một mặt hàng rất ô nhiễm là than đá không được nhắc tới, hiện thuế với than đá chỉ là 10.000 đồng/tấn. Có công bằng không khi người tiêu dùng phải trả phí môi trường nhiều hơn cho một mặt hàng không ô nhiễm bằng mặt hàng khác?

Tôi cho rằng ai gây ô nhiễm hơn phải đóng thuế cao hơn. Than đá liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nhiệt điện, khai thác. Tại sao người dân lại phải đóng mức thuế cao hơn chứ không phải các doanh nghiệp kia?”.

Theo thống kê, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Nếu thuế BVMT với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

Từ ngày 1/7/2018, mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật. Cụ thể, xăng: Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel: Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn: từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

Đàm Linh

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.18002 sec| 647.328 kb