Dẫn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 6 của Nghị định 86/2014-NĐ-CP với nội dung “... cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi” và “... lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách”, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cho rằng: Phần mềm Grab đã tính sẵn lộ trình và số tiền khách phải trả, gây nhầm lẫn cho khách hàng khi trả tiền (không biết trả theo phương thức nào) và điều này không phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải bằng taxi.
Cơ quan này cho rằng Hợp tác xã taxi Đà Lạt đã thay đổi phương án kinh doanh từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ sử dụng phần mềm Grab nhưng chưa được phê duyệt.
Với lý lẽ trên, Sở GTVT Lâm Đồng yêu cầu Hợp tác xã taxi Đà Lạt “ngừng ngay việc sử dụng phần mềm Grab trên các phương tiện taxi dang quản lý”.
“Nếu có nhu cầu sử dụng phần mềm để đưa vào hoạt động và quản lý, đề nghị Hợp tác xã có báo cáo cụ thể về Sở để được xem xét”.
Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng yêu cầu GrabTaxi ngừng hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng vì "không thuộc đề án thí điểm".
Ngay sau đó, Grab đã ra văn bản phản hồi và khẳng định ứng dụng Grabtaxi không phải là GrabCar.
Grab cho hay: GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Đây là một phương thức hỗ trợ kết nối giữa hành khách với tài xế taxi, bên cạnh các phương thức kết nối trực tiếp và gọi tổng đài.
“Dịch vụ này không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi. Giá cước hiển thị trên ứng dụng Grab chỉ là ước tính để hành khách tham khảo, căn cứ trên giá cước của các đơn vị taxi và dự kiến quãng đường di chuyển. Khách hàng vẫn trả số cước được hiển thị trên đồng hồ tính cước của xe taxi”, Grab lưu ý.
Grab cho rằng đã có sự hiểu nhầm rằng GrabTaxi là một dịch vụ thuộc Đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT và không được phép triển khai ngoài phạm vi thí điểm. Sự hiểu nhầm này không những tạo ra rào cản rất lớn đối với các Sở GTVT và các doanh nghiệp taxi trong quá trình làm việc và hợp tác với Grab Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động hợp pháp của Grab Việt Nam và các đối tác của họ.
Grab khẳng định chỉ cung cấp dịch vụ GrabCar cho các đơn vị vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và phương tiện của các đơn vị đó có phù hiệu “xe hợp đồng” cấp bởi Sở GTVT của các tỉnh, thành trong phạm vi thí điểm. Ngoài ra, họ không cung cấp dịch vụ này cho các bên không thuộc Đề án thí điểm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO - cho rằng: Tích hợp dịch vụ kết nối GrabTaxi hoạt động kinh doanh taxi không làm thay đổi bản chất của hoạt động này. Ngoài ra, cần lưu ý, trong các điều kiện kinh doanh áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi không có bất kỳ yêu cầu nào về hình thức kết nối giữa hành khách và tài xế hay giữa hành khách với doanh nghiệp taxi. Vì vậy, tại sao phải xin phép Sở GTVT trước khi thực hiện? Các Sở GTVT dựa trên căn cứ nào để “đồng ý” hay không “đồng ý”? Hành vi cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đã được quy định rất rõ tại Điều 6 của Luật Cạnh tranh. Trước đây đã có một số quyết định bị Bộ Công Thương tuýt còi do vi phạm quy định này.
Ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng nhấn mạnh, nếu áp dụng công nghệ mới để liên kết giữa taxi với khách hàng thì không có cơ sở nào để các Sở GTVT địa phương xét duyệt, cấp phép. Có chăng, các hợp tác xã, hãng taxi chỉ cần thông báo tới Sở đã áp dung công nghệ Grab để Sở biết, làm căn cứ khi có khiếu nại của khách hàng.
"Áp dụng công nghệ GrabTaxi không làm ảnh hưởng đến cạnh tranh giữa các hãng taxi, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một lựa chọn kết nối thuận tiện", ông Huỳnh chia sẻ.
Theo Vietnamnet