Clip thả mũ bảo hiểm từ tầng cao nhất tòa Landmark 81 đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem khi nó được đưa lên 1 kênh của mạng xã hội. Thử tưởng tượng chiếc mũ bảo hiểm không rơi theo kịch bản xuống khu đất vắng người và văng vào một ai đó, tính mạng họ có giữ được không?
Vụ thanh sắt rơi ở đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội còn chưa hết nóng, người phụ nữ xấu số bị thanh sắt rơi trúng dẫn đến tử vong còn chưa nguội thì lại xuất hiện những thanh niên sống ảo này. Thể hiện mình một cách bất chấp – đó hẳn không phải là tuổi trẻ mà là sự ngu xuẩn của những kẻ thất bại – thất bại trong lối sống lành mạnh, đời thực nên mới phải tìm cách khẳng định mình trong thế giới ảo.
Tuổi trẻ có thể sáng tạo, có thể phiêu lưu, mạo hiểm một chút, nhưng không đồng nghĩa tự cho phép mình đùa giỡn với tính mạng của người khác.
Chưa biết các bạn có thả mũ bảo hiểm thật không hay đang dùng chiêu trò câu view, mua vui bằng những nút like, còm (commet – bình luận) trên mạng xã hội, nhưng có một điều chắc chắn là, clip của các bạn đã tác động xấu đến nhận thức của rất nhiều người. Sự phẫn nộ hay tung hê được thể hiện dưới clip chính là một biểu hiện của quan tâm.
Không những có nguy cơ gây nguy hiểm rất cao cho người khác, hành động thử thả mũ bảo hiểm từ tầng cao nhất tòa Landmark 81 còn “đầu têu” một trò cực kỳ nguy hiểm. Dù cho những cảnh báo bằng miệng liên tục được đưa ra trong clip là không “bắt chước”, “rất nguy hiểm”…, nhưng ai dám đảm bảo hoàn toàn rằng trong số 345.000 lượt xem sau 5 ngày clip thử thả mũ bảo hiểm từ tầng cao nhất tòa Landmark 81 của các bạn được chia sẻ trên 1 kênh video, không có người nào tò mò làm theo?
Một sai lầm, một sơ suất nhỏ có thể khiến thanh sắt bắn ra từ giàn giáo và cướp đi sinh mạng một con người. Còn các bạn, các bạn đang tạo ra cơ hội cho sai lầm, sơ suất đó xuất hiện. Các bạn đang cười, đang thích thú trong khi người khác run sợ. Các bạn là người vô cảm.
Sống ảo nhưng cái chết là có thật nếu một sai lầm, sơ suất xảy ra. Clip thử thả mũ bảo hiểm từ tầng cao nhất tòa Landmark 81 tại TP.HCM là một thứ rác của lối sống ảo cần loại bỏ, nhất là trong đời sống của giới trẻ hiện nay. Bởi nó là một hành động gây nguy hiểm cho người khác, cho xã hội chứ không đơn thuần là một video chỉ để phục vụ mục đích sống ảo.
Dù clip là thật hay chỉ mang tính dựng lên làm chiêu trò thu hút sự quan tâm của dư luận thì tôi nghĩ rằng cũng cần một chế tài để xử lý nghiêm. Nếu không, nó sẽ tạo hiệu ứng xấu với những người khác, đặc biệt là giới trẻ luôn muốn khám phá, thử thách và khẳng định mình.
Người ta có thể tìm kiếm nụ cười trong vô số những điều giản đơn và bình dị. Còn các bạn trẻ trong nhóm liên quan đến clip thử thả mũ bảo hiểm từ tầng cao nhất tòa Landmark 81 dậy sóng mạng xã hội hôm nay, nụ cười có từ việc gieo rắc hiểm nguy lên người khác, gieo rắc nỗi sợ hãi lên tư duy của một người khác – nụ cười ấy là nụ cười ác.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Dương Thu