Theo phản ánh của chị N.T.H., trú tại Hà Đông (Hà Nội), ngày 8/12/2017, chị H. đến cơ sở Thẩm mỹ Quốc tế Pretty, có địa chỉ tại số 198 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, để chăm sóc sắc đẹp. Tại đây, chị H. được một nhân viên tư vấn tên là Ngọc nhiệt tình “gạ gẫm” tiêm filler (chất làm đầy) để cho mũi thẳng hơn, mặt đầy đặn hơn.
“Em nói thật, chị tiêm xong là ưng luôn, không có hại gì cả”, “sẽ duy trì được từ 1 năm rưỡi đến 2, 3 năm, tùy cơ địa mỗi người” là những lời mà nhân viên của Thẩm mỹ Quốc tế Pretty tư vấn cho chị H. Trước băn khoăn của chị H. về việc người tiêm có phải bác sỹ hay không, thì được nhân viên này trấn an: “Bên em toàn các bạn y sỹ có bằng y dược hẳn hoi, em trước đây đã từng thực tập ở Viện 103, chị cứ yên tâm”.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi tiêm filler lên mặt và mũi, chị N.T.H. có biểu hiện bị xưng và lệch hẳn một bên mặt. Khách hàng này có gọi điện đến cơ sở thẩm mỹ này để yêu cầu khắc phục sự cố, nhưng nhân viên của cơ sở này đã từ chối với lý do “hết thuốc”.
Để làm rõ những thông tin phản ánh trên, PV đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Ngân – Giám đốc Thẩm mỹ Quốc tế Pretty, để đặt lịch làm việc nhưng không thành. Bà Ngân chối bỏ và cho rằng mình không liên quan đến cơ sở Thẩm mỹ Pretty, dù tên tuổi, chức vụ và số điện thoại của bà Ngân đã được đăng ký với cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, thẩm mỹ viện này chỉ được cơ quan chức năng cấp phép làm đẹp thông thường. Cụ thể, tại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số: 01E8023277, do Phòng Tài chính kế hoạch quận Đống Đa cấp ngày 27/3/2017 đã quy định rõ, chỉ được phép kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định của Pháp luật, với các ngành nghề: “Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (không phẫu thuật, không gây chẩy máu); Bán và hướng dẫn sử dụng mỹ phẩm”. Người đứng tên chủ cơ sở Thẩm mỹ Quốc tế Pretty là bà Nguyễn Thị Ngân cũng chỉ có Chứng chỉ Sơ cấp nghề “Chăm sóc da mặt”.
Nhân viên Phùng Thị Bích Ngọc là người tiêm filler cho chị N.T.H., cũng không hề có chuyên môn để thực hiện việc này. Theo hợp đồng lao động, Phùng Thị Bích Ngọc chỉ là nhân viên quản lý, có nhiệm vụ phân công sắp xếp công việc cho kỹ thuật viên và tư vấn viên. Nhưng lại được chủ cơ sở cho phép nhân viên này tiêm filler cho khách hàng là trái quy định của pháp luật.
Trước đó, trả lời với các cơ quan báo chí, bà Lê Ngọc Bích – Phó chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội cũng khẳng định: “Thẩm mỹ quốc tế Pretty không được cấp phép hoạt động như một phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Và một điều dễ nhận thấy, Thẩm mỹ quốc tế Pretty không được làm các thủ thuật chảy máu, tiêm, truyền cho khách hàng”.
Cũng theo vị lãnh đạo này cho biết, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra và sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Điều 37, Nghị định 109/2016 của Chính phủ “Quy định cấp giấy chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt dộng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, đã quy định rõ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như sau:
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm…
Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dậy nghề hợp pháp cấp.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Nguyễn Đoàn