"Thậm chí, có trường hợp làm mới hồ sơ năm trước không có căn cứ”, Chánh Thanh tra bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng thông tin.
Kết thúc 1 tháng tiến hành thanh tra 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS có dấu hiệu chưa đảm bảo quy định hoặc có khiếu kiện, Thanh tra bộ GD&ĐT đã công bố kết quả cuộc rà soát. PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh Thanh tra bộ GD&ĐT về quá trình thanh tra này.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng bộ GD&ĐT giao theo quy định, Thanh tra Bộ chủ trì kiểm tra, rà soát hồ sơ của 94 ứng viên GS, PGS có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện và đã tập trung xem xét nghiêm túc, khách quan từng trường hợp cụ thể.
Ông Bằng cho biết, công việc làm đã làm theo đúng quy trình, trước hết, đoàn Kiểm tra tiến hành kiểm tra trên cơ sở hồ sơ của từng ứng viên; gửi văn bản đề nghị từng ứng viên báo cáo giải trình những vấn đề trong hồ sơ cần phải làm rõ thêm. Đồng thời, gửi văn bản đề nghị cơ sở giáo dục báo cáo về việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.
Đoàn Kiểm tra cũng chia thành 6 nhóm đi đến từng cơ sở để xác minh và làm việc trực tiếp với một số ứng viên. Có ứng viên đã được mời lên Bộ, có ứng viên đoàn Kiểm tra đến tận nơi trao đổi cụ thể. Các kênh thông tin đều hết sức dân chủ.
Trên cơ sở thông tin xác minh ban đầu, đoàn Kiểm tra đã báo cáo Bộ trưởng và Bộ trưởng đề nghị thường trực Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cùng với đoàn Kiểm tra làm việc cụ thể với từng hội đồng ngành.
“Việc kiểm tra, xác minh thận trọng, khách quan, cụ thể; áp dụng pháp luật chính xác, mang tính xây dựng. Kết quả đã đề nghị công nhận 53 ứng viên đảm bảo đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và không công nhận 41 ứng viên do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút khỏi danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017”, ông Bằng nói.
Qua việc thanh tra, đoàn công tác đã thấy, hồ sơ của các ứng viên có một số vấn đề như, theo quy định trong hồ sơ của ứng viên thỉnh giảng phải có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và có đánh giá của hiệu trưởng cơ sở giảng dạy. Tuy nhiên, một số hồ sơ không có hợp đồng hoặc không có thanh lý hợp đồng, hợp đồng môn này nhưng lại thanh lý môn khác. "Thậm chí, có trường hợp làm mới hồ sơ của các năm trước không có căn cứ”, Chánh Thanh tra bộ GD&ĐT thông tin.
“Cũng có ứng viên kê khai loại giáo trình trong hồ sơ và được tính điểm, tuy nhiên khi xác minh giáo trình này lại chưa được hiệu trưởng chọn. Mà theo quy định của pháp luật, giáo trình chỉ được công nhận khi hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học chọn và thừa nhận lựa chọn để sử dụng.
Lại có trường hợp vi phạm quy định về thâm niên. Ví dụ, quy định về thâm niên của GS, PGS phải tính bằng giờ giảng đối với trình độ đại học, tức là phải dạy các lớp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ nhưng lại kê khai dạy chương trình bồi dưỡng. Vậy, giờ giảng đó là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó đi tới kết luận không đủ giờ dạy, không đủ thâm niên”, ông Bằng nói tiếp.
Từ những tồn tại phát hiện ra sau đợt thanh tra này, ông Bằng cho biết, đoàn Thanh tra đã kiến nghị bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định thay thế Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg ngày 27/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng ngay từ đợt xét công nhận mới.
Đoàn cũng kiến nghị Bộ trưởng bộ GD&ĐT có hình thức chấn chỉnh cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt Quy định 44 về thỉnh giảng, vi phạm quy định trong việc xác nhận giờ giảng cho ứng viên.
“Chúng tôi đã kiến nghị Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước có những giải pháp phù hợp, rút kinh nghiệm với các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành để việc xét công nhận tiêu chuẩn ứng viên GS, PGS chính xác hơn”, ông Bằng thông tin.
Công Luân