Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc 'Cá voi xanh'?

Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc 'Cá voi xanh'?
Trước số nạn nhân của "Cá voi xanh" ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các biện pháp đối phó với trò chơi chết người này.

Cái tên "Cá voi xanh" nghe có vẻ vô hại và dễ thương, song thực chất lại là tên một trò chơi tự sát, nhắm vào thanh thiếu niên, đang gây nhiều hoang mang trong dư luận thế giới và Việt Nam.

Trò chơi đến từ nước Nga này bắt đầu bằng cách yêu cầu người tham gia vẽ hình con cá voi xanh lên giấy.

Từ đây, nó trở nên đáng sợ, yêu cầu người chơi hoàn thành nhiệm vụ trong 50 ngày với cấp độ nguy hiểm ngày càng tăng như khắc hình cá voi lên cơ thể bằng vật sắc, xem phim kinh dị hay đi ra nghĩa địa vào ban đêm. Vào ngày cuối cùng, người chơi phải tự sát và nếu hoàn thành sẽ được công nhận chiến thắng.

Không chỉ "hoành hành" ở Nga và Mỹ, trào lưu đã lan đến Brazil (với tên gọi Baleia Azul), Trung Quốc, Anh và nhiều quốc gia ở Đông Âu. Các nước đều ra sức chống lại "đại dịch Cá voi xanh".

Ấn Độ tuyệt đối cấm trò chơi bạo lực

Theo Times Of India, cảnh sát thành phố New Delhi (Ấn Độ) đã cấm các trò chơi trực tuyến mang tính kích động người khác tự sát tương tự Blue Whale Challenge (thử thách Cá voi xanh).

Trong thông báo đưa ra, cảnh sát trưởng thành phố cho biết việc xúi giục ai đó tự tử thông qua bất kỳ phương tiện nào là hành vi phạm tội. Đồng thời, các công ty truyền thông không được cung cấp hoặc dẫn liên kết có liên quan đến Blue Whale Challenge hoặc trò chơi tương tự.

Bộ thông tin nước này cũng liên hệ với các viện nghiên cứu và phát triển, các tổ chức mạng như Viện công nghệ thông tin Indrapastha, Đại học Amrita, Hội đồng bảo mật dữ liệu Ấn Độ để tìm hiểu xem thanh thiếu niên truy cập trò chơi này như thế nào và nguồn thông tin là gì.

Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc 'Cá voi xanh'?
Ấn Độ quyết liệt ngăn chặn trào lưu "Cá voi xanh" trong giới trẻ. Ảnh: India Today.

Bộ cho biết thêm họ tuân theo chủ trương "phòng bệnh hơn chữa bệnh" khi ban hành thông tư cho các trường học về việc sử dụng Internet an toàn trong các cơ sở giáo dục để ngăn chặn học sinh tiếp cận trò chơi. Chính phủ cũng đề nghị có những bước chủ động xác định tài khoản có xu hướng tham gia thử thách "Cá voi xanh" và cảnh báo tới cảnh sát địa phương.

Chính phủ chỉ đạo các tiểu bang tuyên truyền cho lứa tuổi thanh thiếu niên về nguy cơ chết người của trò chơi này, đồng thời yêu cầu các trường giúp học sinh thấy được "vẻ đẹp của cuộc sống", thay vì lao vào trò chơi nguy hiểm trên mạng .

Nhiều kênh truyền hình nhà nước và tư nhân cũng được khuyến khích giúp nâng cao nhận thức người dân bằng cách truyền tải thông điệp qua chương trình giờ vàng. Bên cạnh đó, đài truyền hình quốc gia được yêu cầu sản xuất một chương trình giáo dục dài 10 phút, nói về hiểm họa từ những trò chơi ảo, The Times Of India đưa tin.

Trung Quốc thắt chặt giám sát trực tuyến

Tháng 5/2017, cảnh sát Trung Quốc tìm thấy một nhóm trên dịch vụ nhắn tin Tencent QQ đang mời các thanh thiếu niên tham gia "Cá voi xanh". Các chỉ dẫn đến từ một kẻ tự xưng là phó chủ tịch hội "Cá voi xanh" ở Trung Quốc, có biệt danh Xiao Yang, theo Hindustantimes.

Thậm chí tại nước này, thử thách còn bị biến tấu theo chiều hướng tiêu cực. Một số kẻ giả mạo admin, yêu cầu các cô gái thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh nude rồi tống tiền họ.

Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc 'Cá voi xanh'?
Trung Quốc xử lý nghiêm các cá nhân, trang mạng tuyên truyền, xúi giục tham gia trò chơi "Cá voi xanh". Ảnh: The Indian Express.

Tới nay, chưa có về số người chơi và thiệt mạng vì trò chơi này tại Trung Quốc. Song các nhà chức trách lo ngại rằng với đất nước có số người dùng Internet lớn nhất thế giới (hơn 700 triệu), nguy cơ ai đó không chống lại được cám dỗ của trò chơi là điều không thể nói trước.

Theo China Daily, cảnh sát và cơ quan quản lý không gian mạng sẽ thẳng tay xử lý mọi tổ chức xúi giục hoặc dụ dỗ thanh thiếu niên tham gia thử thách "Cá voi xanh". Các hình phạt nặng sẽ được áp dụng cho những người gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Tencent - nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Trung Quốc - đã đóng cửa các nhóm liên quan đến trào lưu "Cá voi xanh" trên phần mềm nhắn tin QQ, Medium cho hay.

Cần nhiều hơn các biện pháp đối phó

Tại Brazil, một tổ chức công khai đã phát động phong trào có tên "Thử thách Cá voi hồng" (Pink Whale Challenge) mang ý nghĩa đối lập hoàn toàn với trò "Cá voi xanh". Phong trào tập trung vào các nhiệm vụ quảng bá giá trị đẹp của cuộc sống.

Các nhiệm vụ bao gồm nói với gia đình mình rằng bạn yêu họ, tha thứ cho người khác hay bỏ chặn một người bạn trên . Nhiệm vụ cuối cùng của Pink Whale Challenge - thay vì tự sát - là giúp đỡ một người nào đó có nhu cầu, có thể là người hoặc một con vật, theo Tech Central.

Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc 'Cá voi xanh'?
"Thử thách Cá voi hồng" mang thông điệp và các nhiệm vụ trái ngược hoàn toàn với trò "Cá voi xanh", nhằm mục đích tập trung vào các giá trị đẹp của cuộc sống. Ảnh: Tech Central.

Quốc hội Nga cũng đã thông qua một dự luật vào ngày 26/5/2017, quy định trách nhiệm đối với việc tạo ra các nhóm khuyến khích tự sát trên phương tiện truyền thông xã hội.

Theo thông báo từ học khu Parkrose (thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ), cha mẹ cần trò chuyện thường xuyên với con, nhắc nhở, hướng dẫn con dùng mạng xã hội một cách thông minh để bảo vệ chúng khỏi "Cá voi xanh" cũng như những mối nguy hại khác từ mạng xã hội.

Hiệp hội quốc gia về ngăn chặn bạo hành trẻ em Anh (NSPCC) cũng khuyến cáo người trẻ không nên hùa theo đám đông, luôn vững vàng nếu bị dụ dỗ làm điều gì không an toàn.

Theo phát ngôn viên của Hiệp hội, để thoát khỏi cám dỗ từ bạn bè, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng ai cũng nên hiểu rằng họ hoàn toàn có thể từ chối làm việc nguy hiểm.

"Hãy cam đoan với con cái rằng chúng luôn được yêu mến ngay cả khi không làm theo số đông. Từ đó, ngăn chúng làm những điều khiến mình bị hại hoặc không thoải mái", The Sun trích lời khuyên của đại diện NSPCC dành cho các bậc cha mẹ.

Thử thách "Cá voi xanh" (Blue Whale Challenge) bắt nguồn từ Nga vào khoảng 3 năm trước.

Qua mạng xã hội, quản trị viên (admin) dùng tài khoản ảo xúi giục người tham gia thực hiện nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi phải chụp ảnh để làm bằng chứng gửi admin.

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016.

Theo Zing

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28315 sec| 658.063 kb