Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thí sinh không mặn mà, trường sư phạm chật vật tuyển sinh

Thí sinh không mặn mà, trường sư phạm chật vật tuyển sinh
Cao đẳng Sư phạm Nghệ An năm nay lấy điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh trúng tuyển. Đó là các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh.

Những năm gần đây, câu chuyện ngành sư phạm "ế khách" luôn "nóng" mỗi mùa xét tuyển.

Mùa tuyển sinh 2018, để khắc phục sự “xuống dốc” của các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT đã quy định mức điểm sàn riêng. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các đại học sư phạm phải đạt từ 17 điểm, cao đẳng sư phạm từ 15 điểm trở lên. Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển được thí sinh.

Trong khi nhiều trường ĐH, CĐ ngoài sư phạm đã ổn định tuyển sinh thì nhiều trường sư phạm vẫn đang trông ngóng tuyển bổ sung. Kết thúc xét tuyển đợt 1 theo kết quả kỳ thi THPT 2018, nhiều trường ĐH, CĐ khối sư phạm mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.

Thí sinh không mặn mà, trường sư phạm chật vật tuyển sinh
Tân sinh viên nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM

TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết trong các ngành tuyển sinh của trường thì trong đợt 1 xét tuyển trường đạt 50% chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; khối các ngành sư phạm khác trường không thể mở lớp vì không tuyển đủ chỉ tiêu. "Kinh nghiệm cho thấy sau đợt 1 xét tuyển, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu giáo dục mầm non và tiểu học" - TS Chiến nói.

Cao đẳng Sư phạm Nghệ An năm nay lấy điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh trúng tuyển. Đó là các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh.

Những ngành còn lại có thí sinh trúng tuyển là Giáo dục Mầm non với 90 người. Ngành Giáo dục Tiểu học có 34 em trúng tuyển. Ngành Sư phạm Tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển.

Giải thích về điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh nhập học, ông Trần Anh Tư, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cho biết điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn do trường đặt ra để đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, thống kê số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Bộ GD&ĐT cho thấy không có thí sinh nào trúng tuyển. Mỗi ngành chỉ có một vài thí sinh đăng ký, và những em này cũng không đủ điểm sàn theo quy định (15 điểm), do vậy không có ai trúng tuyển.

Tại Trường Đại học An Giang, 17 ngành sư phạm (11 ngành bậc đại học, 6 ngành bậc cao đẳng) đều phải xét tuyển bổ sung. Những ngành không tuyển được thí sinh nào gồm Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ở hệ cao đẳng, ngành Sư phạm Âm nhạc và Giáo dục thể chất không có thí sinh nào trúng tuyển nguyện vọng 1, dù điểm chuẩn bằng điểm sàn.

Trường Đại học Tây Nguyên phải tuyển bổ sung từ 50% - 100% chỉ tiêu cho các ngành Sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận chỉ tuyển 3 ngành trong năm nay nhưng ngành Sư phạm Tin học không có thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, Sư phạm tiếng Anh có 10 thí sinh trúng tuyển.

Ở nhiều trường sư phạm khác, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung không nhiều. Hiệu trưởng một trường ĐH sư phạm ở TP HCM cho rằng ưu đãi không cao nhưng điểm chuẩn cao thì ngành sư phạm khó hút thí sinh là điều dễ hiểu. Ngành sư phạm cần tạo đột phá để thu hút thí sinh ngay từ đợt đầu như trường quân đội, công an hay y dược chứ không nên để phải tuyển sinh bổ sung.

Thí sinh không mặn mà, trường sư phạm chật vật tuyển sinh
Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. 

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng quy mô trường sư phạm trên cả nước quá nhiều nhưng thiếu chất lượng, đào tạo không theo nhu cầu và người học ra trường không tìm được việc làm trong thời gian dài khiến ngành sư phạm không hấp dẫn.

Ở kỳ xét tuyển năm 2017, điểm chuẩn vào sư phạm được các trường cao đẳng địa phương hạ thấp xuống mức “vơ bèo vạt tép”. Mức trúng tuyển cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10 điểm những cũng không tuyển được sinh viên.

Tại hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT, bày tỏ băn khoăn về tuyển sinh ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội - cho hay các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi. 

Hiệu trưởng này chỉ ra 3 yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm là việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Ông kiến nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ công tác quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường sư phạm.

Vũ An (TH)

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.17852 sec| 642.023 kb