Hoang mang nỗi lòng những ngày sát tết
Sát tết, trên cánh đồng trồng đào của khu phố Tỉnh Cầu, phường Đình Bảng, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều cây đào thế và đào rừng to đẹp của người dân trồng đang vụ thu hoạch bị kẻ gian chặt phá tan hoang. Hầu hết các chủ ruộng đào ở đây đều không thể trở tay vớt vát được, bởi những gốc đào to và thế đẹp bị kẻ gian phá hoại có chủ ý. Thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn, bởi chỉ sau 1 đêm người nông dân nơi đây đã mất đi công sức cả mấy năm trông đợi.
Tết về với những gia đình bị chặt đào đượm buồn. Buồn vì nhiều lẽ, buồn vì bị người ta đang tâm chặt đi những cây đào đẹp nhất, to nhất, hy vọng nhất về một cái tết no ấm sau một năm vất vả chăm bón. Buồn vì cái chết của một hàng xóm trồng đào mà mọi nghi ngờ của hàng xóm đang nhắm vào vì cho rằng đó là thủ phạm. Buồn vì bỗng nhiên những nạn nhân vụ chặt đào giờ lại bị người đời cho rằng là nguyên nhân gây ra cái chết kia…
Sau vụ chặt đào, không tránh khỏi việc bà con dị nghị, nghi ngờ, cảnh giác lẫn nhau. Những người hàng xóm trước kia sống vui vẻ, ruộng đào luôn đầy ắp tiếng cười, tiếng hỏi han, nhờ vả nay bỗng nhiên im lặng như tờ. Mọi người chăm chú làm công việc của mình và cắt cử người thân trông vườn đào cả ngày lẫn đêm để bảo vệ thành quả.
Anh Nguyễn Văn Hào, một nông dân và là nạn nhân của vụ chặt đào cho biết: “Đau xót lắm chú ạ, những cây đào ghép của tôi đã nhận tiền của khách thuê rồi nhưng lại phải trả lại vì không còn gì để cho họ thuê nữa, giá thuê toàn 8 – 10 triệu/cây. Phải mất 3-4 năm nữa mới ghép được những gốc đào như thế. Mọi năm tôi thu từ vườn đào này 200 – 300 triệu đồng, nhưng năm nay chắc chỉ được 1/3 thôi”, vừa nói, anh Hào vừa tiếp khách vừa báo giá và bán nốt đào của mình.
Tình người ấm áp mỗi khi xuân về
Bước chân vào vườn đào những ngày này, ngay từ ngoài đường lớn đã nườm nượp người đi chọn đào tết. Dừng chân hỏi thăm từ mấy người xe ôm chở đào thuê thì đã được chỉ tận tình đến tận vườn của những người bị chặt đào cùng lời kể: “Mọi người đến đây mua đều hỏi thăm tới những gia đình đó để chọn mua chú ạ, cho dù những cây đẹp cũng bị phá hết rồi, chỉ còn những cây nhỏ và cây bị chặt được gò lại thôi nhưng vẫn đắt hàng lắm”.
Năm nay trời nồm, nắng nhiều, rét ít nên đào đã nở quá nửa, không đẹp như mọi năm nhưng vườn đào nhà anh Hào vẫn nườm nượp khách đến để cố chọn cho mình một cây vừa mắt. Khi thông tin vụ chặt đào được các cơ quan báo chí góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng thì cùng với đó là lượng khách hàng của những vườn đào bị chặt tăng lên đột biến. “Một số chủ vườn khác cũng đánh đào ra chôn nhờ ở vườn nhà tôi để bán đấy”, anh Hào cho biết.
Lòng người luôn ấm áp mỗi khi xuân về, truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” luôn được đề cao và được phát huy trong những ngày này.
Hiện UBND phường Đình Bảng đang phối hợp với các ban ngành, bàn biện pháp hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Trước mắt, mỗi hộ có đào bị chặt được hỗ trợ 200.000 đồng/1 cây bị chặt. Ngoài diện tích vườn cây bị phá hoại thì người dân vẫn còn nhiều cây đào khác đang vào mùa thu hoạch, trước mắt UBND phường động viên tinh thần bà con tiếp tục thu hoạch số cây còn lại.
“Thôi con ạ, mua cho người ta đi”, người cha nói với con khi hai bố con đang chọn mua đào về chưng tết. Có lẽ hiểu được ý của cha nên người con vui vẻ trả tiền và không còn mặc cả lên xuống như trước nữa.
Có lẽ bởi thế mà người ta bảo ngày Tết Việt Nam là ngày hội của sự đoàn tụ, ấm cúng, bởi với người Việt Nam mình thì giàu có cũng quý, nhưng quý hơn là một chữ Tình. Tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em...Thế nên dẫu cuộc sống vốn chẳng bình lặng và trong cuộc mưu sinh không tránh khỏi những va vấp, xung đột...nhưng bước sang năm mới, lòng người hình như luôn rộng mở hơn, đằm thắm hơn.
Vũ Sơn