Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc bộ GTVT chuyển đổi từ trạm “thu phí” sang “thu giá” BOT. Giải thích cho việc chuyển đổi này, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, “đây không phải do bộ tự đặt ra mà do Nghị định của Chính phủ quy định”. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc băn khoăn về ý nghĩa của hai cụm từ này khác như thế nào mà bộ GTVT phải đổi tên.
Để làm rõ ý nghĩa của 2 cụm từ trên, trao đổi với PV, GS. Hoàng Chương - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng: “Ngành Giao thông vẫn còn nhiều sơ hở cần phải nghiên cứu kỹ chứ không riêng gì việc đổi tên trạm “thu phí” thành “thu giá” BOT.
Nhận định về ý nghĩa của 2 cụm từ trên, GS. Hoàng Chương chia sẻ: “Cho đến nay, cụm từ “thu phí” BOT đã trở thành phổ thông với người dân rồi thì tại sao lại phải đổi như vậy, làm cho dư luận hoang mang không hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ “thu giá”.
“Đa số người dân đều không hiểu ý nghĩa của cụm từ “thu giá” là gì? Nó rất trừu tượng và phải giải thích rất dài dòng. Nói thẳng thắn, những nhà nghiên cứu, soạn thảo văn bản của bộ GTVT không chịu nghĩ tới những gì thích hợp nhất với người dân, mang tính áp đặt, GS. Hoàng Chương nhìn nhận.
GS. Hoàng Chương cho rằng, cụm từ “thu giá” BOT là không hợp lý. Hai cụm từ “thu phí” và “thu giá” có ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Văn hoá giao tiếp của người Việt Nam từ trước đến giờ cũng không phổ cập cụm từ “thu giá”.
“Thu giá” có nghĩa là giá trị biểu hiện giá trị bằng tiền, tổng thể nói chung của một mặt hàng, một sản phẩm cụ thể, dùng trong trường hợp người ta không tính đến lợi nhuận trong khoản thu. Nghĩa là chỉ thu đúng chi phí tạo nên giá thành của một sản phẩm hoặc dịch vụ mà chưa tính đến lợi nhuận.
Còn “thu phí” nghĩa là khi khách hàng trả phí sẽ nhận lại được một sản phẩm, dịch vụ và bị chi phối bởi các quy định của pháp luật.
Thế Anh