Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội sáng nay (20/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Đề cập đến việc phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đưa ra nhận định “dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; mà còn cho chúng ta vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, cùng với làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Ngoài các biện pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 theo kế hoạch để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Thủ tướng nhấn mạnh, chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Càng trong điều kiện khó khăn càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong giám sát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh. Bảo đảm chương trình học phù hợp và an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đặc thù đối với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cơ sở, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng vươn lên và niềm tự hào dân tộc; phát huy các giá trị, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý tới việc phát triển bền vững hơn, thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành đặc biệt lưu ý mục tiêu phát triển bền vững trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, tạo quỹ đất sạch và triển khai đồng bộ các giải pháp về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Chú trọng giải quyết các vấn đề về môi trường, phát triển kinh tế xanh và năng lượng sạch.
Bảo đảm an ninh nguồn nước và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; đẩy mạnh hợp tác khu vực, quốc tế về chia sẻ, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới. Quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vi phạm.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa các hồ, đập có nguy cơ mất an toàn và thực hiện các dự án phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.