Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa thừa uỷ quyền của Chính phủ ký Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó có nội dung đề xuất Quốc hội đồng ý cho tăng thuế BVMT đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Bộ Tài chính tính toán nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít.
Ước tính số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỉ đồng, tăng khoảng 14.368 tỉ đồng.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi kilogram, tùy loại.
Giải trình về lý do tăng thuế, Bộ Tài chính cho biết giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và Châu Á. Giá xăng, dầu Việt Nam đứng thứ vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước); thấp hơn Lào là 5.556 đồng/lít, Campuchia là 3.745 đồng/lít, Trung Quốc là 1.468 đồng/lít, Singapore là 17.394 đồng/lít, Philippines là 3.451 đồng/lít, Hongkong là 26.950 đồng/lít.
"Xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần thiết điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu (nằm trong khung biểu thuế BVMT) nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường"- Bộ Tài chính lý giải.
Về mục đích tăng thuế, Bộ Tài chính viện dẫn quan điểm tăng thuế để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến môi trường; khuyến khích việc sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời hạn tăng thuế sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2018.
Vũ Văn (TH)